Cải tạo ruộng đồng sau lũ cát
Hơn một năm trở lại đây, nông dân thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng, ai cũng vui mừng khi nỗi lo thiếu lúa ăn không còn. Có được thành quả này là nỗ lực rất lớn của người dân và chính quyền nơi đây khi chung sức nạo vét kênh mương đưa nước từ đồng ra sông. Vùng đất này vốn bị trận lũ cát lịch sử năm 2013 bồi lấp kênh mương dẫn đến nhiều héc ta đất ruộng không thể canh tác do ngập úng. Giữa năm 2014 được sự hỗ trợ của các cấp, ngành và kinh phí từ Hợp tác xã Đại Hưng, người dân thôn Thạnh Đại ra quân tiến hành nạo vét hơn 500m kênh mương, giải phóng cho gần 4ha ruộng thoát khỏi cảnh úng thủy. Kết quả không chỉ mở rộng diện tích đất canh tác của thôn lên 78ha mà còn giúp nâng cao năng suất sản lượng lúa đạt hơn tấn/ha. Đặc biệt, số vụ gieo trồng cũng tăng lên thành 2 vụ/năm. Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng thôn Thạnh Đại, đến nay hơn 85% số diện tích ruộng đất đã được canh tác cho sản lượng lúa cao. “Mấy năm trước do lượng cát bồi quá lớn, người dân làm không nổi. Năm 2014, Hợp tác xã Đại Hưng hỗ trợ 4 triệu đồng còn nhân dân thôn chịu ngày công mới nạo vét được con mương này” - ông Chiến chia sẻ. Kết quả rõ ràng nhất của công trình khơi dòng thoát nước chính là đã nâng diện tích đất canh tác mỗi hộ dân lên bình quân 3,5 sào, nhiều gia đình thoát khỏi tình trạng thiếu ăn giáp hạt. Riêng vụ đông xuân năm nay, diện tích sản xuất lúa thôn Thạnh Đại năng suất ước đạt hơn 60 tạ/ha, cao hơn mức bình quân chung; đặc biệt tại những diện tích làm lúa giống đạt gần 80 tạ/ha.
Ông Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, việc nạo vét kênh mương cải tạo đồng ruộng tại thôn Thạnh Đại còn tạo điều kiện cho xã khoanh vùng chuyển đổi hơn 3ha đất sang trồng lúa giống mang lại thu nhập đáng kể. Đến nay, thông qua hợp tác với Công ty Lúa giống Thái Bình, diện tích trồng lúa giống vụ đông xuân của xã đã tăng lên 70ha trải dài qua các thôn Thạnh Đại, Trúc Hà, Trung Đạo, Mậu Lân, An Tân… Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã vận động nhiều hộ dân triển khai mô hình trồng rau sạch tại những chân ruộng cao mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Ngoài ra, thông qua nguồn hỗ trợ từ huyện, năm 2014 xã cũng đã hoàn thành tuyến mương cống hộp thoát nước từ cánh đồng thôn Thạnh Đại dẫn ra sông với chiều dài hơn 200m, kinh phí gần 800 triệu đồng. Đặc biệt, Chương trình 135 đầu tư 400 triệu đồng cải tạo 2ha ruộng lúa tại cánh đồng làng Yều mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. “Kết quả làm được cũng nhiều nhưng khó khăn cũng không ít vì Đại Hưng là cái rốn của lũ cát và khô hạn” - ông Thịnh nói. Dự kiến, năm nay nếu hạn hán kéo dài, khoảng 60ha đất ruộng tại các thôn Thạnh Đại, Đại Mỹ, Trúc Hà… sẽ đối diện nguy cơ thiếu nước. Để đối phó với tình trạng này, xã Đại Hưng đã xây dựng phương án chủ động nguồn nước, như tập trung khoanh vùng tưới những diện tích lúa hiệu quả, canh phòng nguồn nước thủy điện về…, phương án cuối cùng là sẽ ngăn sông lấy nước cứu lúa.
KHÁNH LINH