Cây quế tìm lại thời vang bóng

BÍCH HẠNH 30/04/2015 09:20

Gần đây, thị trường mua bán, tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây quế sôi động do giá tăng cao so với mọi năm. Nhiều người trồng quế khấp khởi, lạc quan về tương lai sáng sủa của loại cây này, trong khi đó chính quyền lẫn doanh nghiệp vẫn chưa có động tác nào khuyến khích mở rộng diện tích.

Tăng giá nhưng thiếu ổn định

Từ khi cây quế Trà My được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, chính quyền 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My đã lưu tâm phát triển loại cây này, nhưng dấu ấn quy hoạch vùng trồng vẫn chưa rõ nét. Từng một thời “đỉnh cao” của giá trị kinh tế, quế bỗng rớt giá thê thảm, đến nỗi người dân lần lượt chặt bỏ để lấy đất thâm canh các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá trị cây quế bắt đầu phục hồi, người trồng phần nào cải thiện thu nhập. Quế mang lại “lợi ích kép”, vừa cho giá trị kinh tế còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước, bảo tồn và phát triển đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa.

Khai thác vỏ quế tại Bắc Trà My. Ảnh: BÍCH HẠNH
Khai thác vỏ quế tại Bắc Trà My. Ảnh: BÍCH HẠNH

Thời điểm này, đi trên đường ĐT616 từ thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) ngược lên Tắc Pỏ (Nam Trà My), hay bắt gặp cảnh thu hoạch quế. Nhiều vạt rừng thân cây trắng nõn do vừa lột vỏ. Trước đây, một phần diện tích cây quế bị chặt “bán non” để thay thế cây trồng khác, nhưng vẫn còn một số diện tích được người trồng để lại, kiên nhẫn chờ thời cơ quế tăng giá. Vườn quế gần 20 năm tuổi với hàng trăm cây của ông Nguyễn Phước (thị trấn Tiên Kỳ) trùng điệp, thẳng tắp. Mấy tuần qua, gia đình ông gọi thương lái đến bán. “Lúc trước giá rẻ quá, bán không bao nhiêu đồng nên tôi không chặt phá mà để lại. Chừ mỗi ký vỏ tươi bán vài chục nghìn đồng, tôi thấy khai thác cũng có “của để dành” và có vốn để đầu tư lại”. Được biết mỗi cây quế trên dưới 10 năm tuổi cho bình quân 20 - 30kg vỏ quế tươi, hiện giá khoảng 20 nghìn đồng/kg. Mỗi cây thu hoạch có thể đạt 500 nghìn đồng. Ngoài ra, sau khi quế được lột vỏ, thân cây bán lấy gỗ, còn tận dụng cành và lá để bán cho các cơ sở làm hương, chế biến dầu. Nhiều người trồng quế cho biết, dù giá có tăng lên nhưng rất thiếu ổn định, các cơ sở tổ chức thu mua luôn tìm cách o ép nông dân. Quế sau khi khai thác tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa nên rất bó hẹp khâu đầu ra.

Xác lập vị thế cây quế

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bắc Trà My, diện tích quế trên địa bàn ước khoảng hơn 800ha. Để bảo tồn cây bản địa này, thời gian qua chính quyền đã khuyến khích người dân không chặt hại cây non. Trong 3 năm (2012 - 2014), địa phương hỗ trợ ít nhất 600 triệu đồng cấp gần 250 nghìn cây giống cho các xã Trà Dương, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui, Trà Giác và thị trấn Trà My mở rộng hàng trăm héc ta quế. Cây quế phát triển mạnh tại một số vùng để phục vụ nguyên liệu cho ngành xuất khẩu các sản phẩm từ quế. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ từ gỗ và chế biến tinh dầu quế như Công ty TNHH Quế Quảng Nam, Công ty TNHH Hương Quế Xứ Quảng, Công ty TNHH Quế Trà My... Theo Công ty TNHH Quế Quảng Nam, vì tâm lý nông dân cũng không còn mặn mà với cây quế nên các doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tình trạng tư thương, cơ sở thu mua ép giá nhà nông, bán phá giá quế xuất khẩu… còn xảy ra, khiến cạnh tranh thiếu lành mạnh. Thực tế từ đầu năm đến nay, giá vỏ quế lên xuống thất thường, có lúc đến ngưỡng 30 nghìn đồng/kg vỏ tươi, nhưng có thời điểm tư thương cố tình từ chối thu mua.

Cây quế đến giai đoạn “hái ra tiền” phải mất ít nhất 7 năm, trong khi khâu đầu ra quá bấp bênh nên tại xứ “cao sơn ngọc quế” Trà My từng xuất hiện tình trạng chặt bỏ quế để thay thế cây tiêu và phủ xanh bằng keo lá tràm. Mười năm trước, UBND tỉnh phê duyệt đề án đầu tư và phát triển sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp từ cây quế, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội cho vùng trồng quế quy mô lớn. Thế nhưng, thực tế đem lại không như mong muốn, dù các sản phẩm của cây này được Nhà nước bảo hộ pháp lý về thương hiệu. Hơn 1.300ha quế phân bố tập trung chủ yếu tại huyện Bắc Trà My, Nam Trà My và rải rác ở các huyện Phước Sơn, Tiên Phước, Nông Sơn. Vấn đề đặt ra ở đây: ngành nông nghiệp vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi quy hoạch vùng trồng quế với diện tích bao nhiêu là phù hợp. Bởi lý do đơn giản, khâu khảo sát, điều tra đánh giá chi tiết 3 loại rừng gặp khó khăn; ở khu vực miền núi từng loại cây trồng chưa có quy hoạch chi tiết, vùng trồng quế đương nhiên phải quy hoạch là rừng sản xuất. Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, như các loại cây trồng khác, cây quế cũng gặp khó trong đi tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, phải có cơ chế đặc thù khuyến khích, thu hút doanh nghiệp vào bảo tồn và phát triển cây quế mạnh hơn. Việc đầu tiên của ngành lâm nghiệp cùng với các địa phương là tiếp tục hỗ trợ phát triển các vùng trồng vốn có, nơi nào có điều kiện phát triển rừng quế sẽ tiếp tục rà soát, tính toán chuyển đổi mục đích đất rừng phù hợp.

BÍCH HẠNH

BÍCH HẠNH