Đất hoang cựa mình

VĂN HÀO 29/04/2015 10:16

Sau giải phóng, hàng chục hộ dân khăn gói lên Cấm La (Nông Sơn) định cư theo cuộc vận động xây dựng kinh tế mới. 40 năm, vùng rừng rú hiểm hóc đã thấm đẫm giọt mồ hôi của những người cất công khai phá để giờ đây tràn trề nhựa sống…

Khai hoang vỡ hóa

Cấm La hôm nay, con đường bê tông uốn lượn qua những vạt cao su tít tắp, dẫn vào tận ngôi nhà xa nhất làng. Trước đây vùng đất này thuộc huyện Quế Sơn, bây giờ thuộc xã Quế Lâm, Nông Sơn. Ngày ấy, nhiều người dân tứ phương, trong đó hơn 2/3 là dân Quế Sơn đeo mang túi xách, kẹp nách những đứa con thơ đến mảnh đất, với đầy niềm tin về cuộc sống. Có người không trụ nổi, vừa lên đã về. Và có những người bền bỉ ươm thả từng mầm sống, miệt mài lao động như chính dòng chảy nơi thượng nguồn.

Cầu Bến Đình được xây dựng nối đôi bờ khe Sé.  Ảnh: VĂN HÀO
Cầu Bến Đình được xây dựng nối đôi bờ khe Sé. Ảnh: VĂN HÀO

Năm 1976, 28 hộ dân đầu tiên của Quế Sơn lên xây dựng khu kinh tế mới tại Nà Lau - nằm dưới chân núi Dương Dẻ. Dấu vết chiến tranh còn in hằn trên những thân cây khô héo bởi chất độc và cả những hố bom chưa kịp san lấp tại vùng đất này bấy giờ. Ngày ấy, Đội Thanh niên xung phong huyện Quế Sơn cũng được huy động lên giúp dân phá núi khai hoang, dựng nhà cửa. Sau đó do địa thế hiểm trở, khó làm ăn nên những cư dân này dần di dời ra định cư ngoài Cấm La, cách Nà Lau gần một giờ đồng hồ lội bộ.

Trước khi những hộ dân này chuyển ra Cấm La thì đã có nhiều gia đình khác lên đây định cư. Từ đó xuất hiện tên xóm mới, xóm cũ. Họ bám đất, bám làng, sinh con đẻ cái rồi con cái họ cũng định cư lập nghiệp luôn tại vùng thượng nguồn này. Gia đình ông Phạm Ước, nguyên quán xã Quế Phú (Quế Sơn) gắn với đất Cấm La ngay từ buổi sơ khai, từ năm 1978, tâm sự rằng, hồi đó hai vợ chồng cùng với 3 đứa con thơ rời quê ngược núi để gầy dựng cuộc sống mà khó khăn, thiếu thốn cũng chất chồng… cao như núi. Ông trầm ngâm: “Văn minh về đến nơi đây mới chỉ vài ba mùa tết chứ mấy!”. Ông đang nói về hạ tầng đường sá, điện đài. Ông Phạm Ước (SN 1948) đảm nhiệm vai trò Trưởng thôn Cấm La từ năm 1998 và vừa mới xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Dù vậy ông vẫn đang làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Cấm La, kể từ năm 1992 cho đến bây giờ.

Vùng đất lau lách giờ tràn trề nhựa sống nhờ bàn tay khai hoang vỡ hóa của con người.  Ảnh: VĂN HÀO
Vùng đất lau lách giờ tràn trề nhựa sống nhờ bàn tay khai hoang vỡ hóa của con người. Ảnh: VĂN HÀO

Đi xây dựng kinh tế mới nhưng đời sống của người dân chỉ thực sự “mới” trong khoảng vài năm lại đây. Một vùng đất “khỉ ho cò gáy”, cách trung tâm xã 5 cây số nhưng để vào được đến nơi phải lội bộ qua mấy con khe, con suối rồi tình trạng không điện, đường… cứ kéo dài đằng đẵng. Niềm tin nào để những con người bạo dạn chọn nơi này làm quê hương thứ hai? “Hồi mới lên, tui cứ nghĩ đơn giản, ở quê ít đất sản xuất, lên đây mình cật lực khai hoang vỡ hóa thì chắc sẽ đủ ăn, đủ mặt thôi. Ban đầu cũng được Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng để dựng nhà, sau đó chí thú đi phát rừng, phát rẫy để trồng củ khoai, củ sắn, thả hạt bắp. Nhưng địa thế cách trở nên việc đi lại, giao thương với vùng khác quá đỗi khó khăn. Rồi, cuộc sống cũng từng bước ổn định” - ông Ước kể. Cũng như vợ chồng ông Ước, nhiều gia đình hồi mới lên đây, muốn về thăm quê cũng khó. Phải cuốc bộ xuống Trung Phước rồi xuôi đò về Vĩnh Điện, sau đó ngược lên lại các vùng Quế Phú, Quế Xuân, Hương An… Mất hẳn vài ba ngày. Chuyện học hành của con cái thì cũng gian nan bội phần.

Cựa mình

Thôn Cấm La giờ gồm 76 hộ với hơn 300 nhân khẩu với diện tích tự nhiên rộng lớn. Nhờ bàn tay khai phá của con người, chốn thâm sâu cùng cốc, trập trùng đồi núi giờ đang hồi sinh, cựa mình. Những ngôi nhà ngói mới được dựng lên, đồi cao su, đồi keo trải dài hút mắt. Nhưng như cách nói của những con người quá nửa đời bám trụ chốn này, gian khó đã ăn sâu, như chỉ mới hôm qua.

Chúng tôi lên Cấm La vào những ngày tháng 4, xe cộ vô tư thả bánh băng qua những bờ bãi. Cây cầu Bến Đình, đường bê tông, điện lưới quốc gia… đã hoàn thiện, chỉ mới cách đây chừng 3 năm. “Như vậy có quá chậm so với những thiếu thốn, thiệt thòi của vùng này?” - tôi thắc mắc. Trưởng thôn - chị Tạ Thị Bé giải đáp, đó là cả sự nỗ lực rất lớn của chính quyền huyện Nông Sơn cũng như cư dân nơi đây vì địa thế trắc trở. Những khe, những suối chia cắt như thử thách độ bền chí của con người. Vật tư, vật liệu chuyển được đến thôn này là cả hành trình gian nan.

Cấm La trước đây do Tổng đội khu kinh tế mới Cấm La - Nà Lau của huyện Quế Sơn bấy giờ quản lý. Đến năm 1992, tổng đội này giải thể, Cấm La sáp nhập vào xã Quế Lâm. Đơn vị hành chính thôn Cấm La ra đời từ đó. Tình trạng trắng đảng viên tại thôn này giờ không còn nữa. Còn số hộ nghèo giảm dần, dù vẫn còn ở mức cao, chiếm quá nửa dân số.

Năm 2009, cây cao su bắt đầu bén rễ tại đây. Các hộ dân được vận động giao đất rừng để nhường đất cho nông trường cao su, rồi nhận khoán chăm sóc. Tuy nhiên, chưa đến thời kỳ khai thác mủ nên bài toán lao động địa phương còn chưa được giải quyết rốt ráo. Người dân vẫn còn đang gặp khó trong vấn đề đất sản xuất. Trưởng thôn Tạ Thị Bé tin tưởng, chỉ một, hai năm nữa thôi, cây cao su sẽ là đòn bẩy đắc lực để địa phương phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh. Ông Trần Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết, để giải quyết vấn đề đất sản xuất, trong quý 2 năm 2015, địa phương sẽ tiến hành chuyển đổi 300ha đất rừng tại các tiểu khu 453, 454, 460 của địa phương, ưu tiên cấp cho thôn Cấm La để người dân có thêm điều kiện ổn định sinh kế.

Mưa chiều bất chợt chốn thượng nguồn. Nguyên Trưởng thôn Phạm Ước bảo đừng lo lắng, nỗi ám ảnh về mưa lũ chia cắt là chuyện quá vãng. Đất xưa giờ đang cựa mình mạnh mẽ!

VĂN HÀO

VĂN HÀO