Tái cấu trúc ngành nông nghiệp
Nhờ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng hiệu quả các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến nên những năm qua lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, để ngành kinh tế này phát triển nhanh và bền vững thì cần phải nỗ lực thực hiện việc tái cơ cấu…
Chuyển biến tích cực
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp phát triển nông nghiệp và là tiền đề của tiến trình xây dựng nông thôn mới. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua Quảng Nam đặc biệt chú trọng đến công tác này. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, riêng từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn huy động, ngành nông nghiệp tỉnh đã đầu tư hơn 1.465 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa hàng loạt hồ chứa nước như Đông Tiển, Bà Sơn, Suối Tiên, Vĩnh Trinh, Khe Cát, An Tây, Hóc Hạ, Nước Zút, Thạch Bàn, An Long. Đồng thời hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Phú Ninh, kiên cố hóa gần 350km kênh mương, thi công 119 công trình thủy lợi hóa đất màu và 215 công trình thủy lợi nhỏ. Cạnh đó, tiến hành nâng cấp các cơ sở sản xuất giống nông - lâm nghiệp và xây dựng hạ tầng tại những vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1...
Cần đẩy mạnh việc liên kết sản xuất để tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Ảnh: VĂN SỰ |
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các cấp cũng đặc biệt quan tâm đến công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu. Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, 5 năm trở lại đây Quảng Nam tiếp tục dồn điền đổi thửa 5.571ha đất nông nghiệp ở 173 thôn của 47 xã thuộc 9 địa phương gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành, Phú Ninh, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Nông Sơn. Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 17.459ha đất nông nghiệp hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, trong đó chủ yếu là đất canh tác lúa. Nhờ làm tốt khâu quy hoạch, xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh liên kết nên hiện giờ Quảng Nam đã hình thành được gần 60 cánh đồng mẫu chuyên canh các loại cây trồng cạn chủ lực và sản xuất giống lúa theo phương thức hàng hóa với tổng diện tích không dưới 7.600ha. Khảo sát tại nhiều nơi cho thấy, bình quân mỗi năm 1ha đất trên các cánh đồng mẫu mang lại cho nông dân mức thu nhập 80 - 150 triệu đồng, thậm chí một số vùng thu hơn 200 triệu đồng. Không riêng các cánh đồng mẫu chuyên sản xuất hạt giống lúa thuần và lúa lai, thời gian qua nhờ nguồn nước tưới chủ động, ngành chuyên môn nỗ lực chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến và du nhập nhiều loại giống lúa mới có chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà nên hầu hết địa phương cũng đều được mùa lúa thương phẩm. Theo ông Muộn, trong vụ đông xuân và hè thu của năm 2014 nông dân toàn tỉnh gieo sạ tổng cộng 87.396ha lúa, năng suất bình quân đạt gần 57 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với năm 2013 và tăng 10 tạ/ha so với năm 2009 trở về trước.
Tập trung tái cơ cấu
Mặc dù đã tạo được bước chuyển biến rõ nét nhưng thực tế cho thấy lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp quá nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm hết sức bấp bênh. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tạo đòn bẫy cho ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững thì thời gian tới phải quyết liệt đẩy mạnh việc tái cơ cấu. Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, muốn thành công trong việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp thì cần phải làm rất nhiều việc. Trước mắt, phải rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Từng địa phương phải xác định, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường để đầu tư phát triển. Đồng thời xây dựng cụ thể các chương trình, dự án và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ những giải pháp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, cho giá trị kinh tế cao. Cạnh đó, nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, đây được xem là lựa chọn ưu tiên của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và là yếu tố quyết định trong vấn đề nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản.
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, ngay từ bây giờ phải tập trung nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu. Tuy nhiên, muốn mô hình này mang lại hiệu quả cao thì phải nỗ lực dồn điền đổi thửa và xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Ông Lợi nói: “Trong năm 2015 ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương dồn điền đổi thửa thêm 1.213ha đất canh tác, nâng tổng diện tích dồn điền đổi thửa lên 18.538ha trong tổng số 26.910ha đất nông nghiệp có khả năng thực hiện công tác này. Đồng thời linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để chỉnh trang đồng ruộng, thi công hệ thống giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương và đẩy mạnh việc cơ giới hóa các khâu sản xuất”.
Ông Lê Muộn cho rằng, muốn đưa lĩnh vực chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng hàng hóa thì yêu cầu bắt buộc là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh. Theo đó, ngoài việc tăng cường khâu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ thì nhất thiết phải chú trọng đến công tác tiêm phòng. Bên cạnh việc hỗ trợ những tổ chức, cá nhân hình thành loại hình dịch vụ thú y trọn gói thì các địa phương phải sớm kiện toàn lại lực lượng thú y cơ sở và thường xuyên tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này.
NGUYỄN VĂN SỰ