Trồng dưa hấu tại Phú Ninh: Đối diện với nhiều khó khăn

VĂN HÀO 16/04/2015 09:22

Dù chưa phải vào mùa thu hoạch như vùng Đại Lộc nhưng tác động của trận mưa lớn cuối tháng 3 vừa qua khiến người trồng dưa hấu ở Phú Ninh cũng đang đối diện với nhiều khó khăn.

Nửa tháng sau khi xảy ra đợt mưa bất thường, nhiều nông dân trồng dưa tại huyện Phú Ninh phải túc trực trên những cánh đồng để theo dõi, chăm bón ruộng dưa. Khác với vụ dưa vùng Đại Lộc, dưa trồng tại Phú Ninh chỉ mới bước vào giai đoạn kết trái, song sự khắc nghiệt của thời tiết đã để lại hậu quả nặng nề, rõ nhất là dây dưa bị chết héo rải rác có khả năng ảnh hưởng đến năng suất, giá bán.

Trên cánh đồng thôn Cẩm Khê (xã Tam Phước), một số ruộng dưa đã bắt đầu lên xanh trở lại. Tuy nhiên, số dưa này chỉ là một phần trên tổng diện tích 130ha ở vụ dưa đông xuân của xã. Theo thống kê, hiện có khoảng 52ha dưa bị hư hại, trong đó mức độ từ 30 đến 70% là 15ha, từ 70 đến 100% chiếm 37ha báo hiệu trước một vụ dưa sụt giảm đáng kể về sản lượng. Cũng như nhiều nông dân trồng dưa khác của huyện Phú Ninh, ông Trương Văn Ngôn (thôn Cẩm Khê) đang lo khi báo đài đưa tin giá dưa tại tỉnh lân cận Quảng Ngãi đang rớt giá. “Lạc quan lắm cũng không dám nghĩ đến chuyện lời lãi, chỉ mong lấy lại vốn để còn đầu tư ở những vụ sau” - ông Ngôn nói. Theo tính toán của ông, 1 sào dưa bỏ vốn mua bạt, giống, tất cả chi phí mất khoảng 2 triệu đồng. Đợt mưa vừa rồi dưa bị thối rễ, héo úa chiếm đến 40% trên diện tích 5 sào dưa của gia đình. Và theo kinh nghiệm của ông, trái dưa non bị ngâm nước thì sẽ không lớn, phát triển như bình thường. Theo ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước, khả năng vụ dưa này sản lượng sẽ giảm 50% so với vụ đông xuân năm ngoái ở địa phương.

Ông Trương Văn Ngôn (thôn Cẩm Khê, Tam Phước) bên ruộng dưa bị vàng lá, héo ngọn do tác động của đợt mưa cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: VĂN HÀO
Ông Trương Văn Ngôn (thôn Cẩm Khê, Tam Phước) bên ruộng dưa bị vàng lá, héo ngọn do tác động của đợt mưa cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: VĂN HÀO

Trong khi đó, nhiều nông dân trồng dưa tại xã Tam Lộc (Phú Ninh) còn chịu cảnh bi đát hơn. Số là đợt mưa lớn vừa qua, nước từ các con suối đổ về cuốn phăng gây hư hại nghiêm trọng ruộng dưa. Dưa trồng được vun thành hàng cao nhưng cả lớp đất này cộng thêm dây dưa đang độ phát triển bị cuốn trôi, nhiều ruộng dưa chỉ còn lại cái nền đất trống trơn. Ông Lê Mộc Anh Toàn - Phó ban Nông nghiệp xã Tam Lộc cho biết, địa phương có 5ha dưa hấu thuộc diện trên. Một số hộ dân đang thuê máy móc cải tạo đất để trồng lại dưa vì không muốn đất bỏ hoang, song chi phí cho lần này cũng không hề thấp. Ngoài ra, theo khảo sát nhanh của xã Tam Lộc thì có 29ha dưa bị hư hại trên 70%, 74ha bị ảnh hưởng bởi ngập úng trên tổng diện tích 136ha.

Còn nhớ vụ dưa này năm trước, nông dân tại Phú Ninh phấn khởi vì dưa được mùa, được giá, đỉnh điểm lên tới 8.200 đồng/kg. Vì vậy nhiều hộ chuyển đổi đất sang trồng dưa, mở rộng diện tích không theo một quy hoạch. Không thể phủ nhận giá trị kinh tế mà cây dưa hấu mang lại cho người dân Phú Ninh, đặc biệt là vài năm trở lại đây khi dưa ở địa phương đã tạo dựng được thương hiệu. Thế nhưng, với sự biến đổi khí hậu khó lường cũng như thị trường nhiều biến động như hiện nay thì vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng để người nông dân hiểu đúng, hiểu rõ và có cách điều tiết hợp lý trong quá trình sản xuất nông sản. Ông Trần Ngọc Bằng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, vụ này toàn huyện trồng 460ha dưa hấu, đợt mưa vừa qua có gần 300ha chịu ảnh hưởng, thiệt hại; về cơ chế hỗ trợ thì vẫn đang trong quá trình chờ các địa phương báo cáo để trình lên cấp trên hỗ trợ. Hỗ trợ cũng chỉ là giải pháp trước mắt và chủ yếu mang tính động viên, về lâu dài vẫn là vấn đề thị trường, liên kết sản xuất, trồng theo quy hoạch… mà các địa phương đang loay hoay tìm lời giải.

VĂN HÀO

VĂN HÀO