Thu nhập cao từ cây trồng cạn

VIỆT QUANG 07/04/2015 09:36

Từ thành công bước đầu trong việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa 1 vụ bấp bênh sang canh tác các loại cây trồng cạn, huyện Thăng Bình đang chú trọng quy hoạch để nâng cao sản xuất trong thời gian đến.

Trước đây, không ai biết ông Trần Văn Phát (tổ 2B, thôn Tiên Đỏa, xã Bình Sa) là hộ nông dân sản xuất giỏi bởi gia đình ông chỉ chuyên chú trồng lúa nước. Do thiếu hụt nguồn nước tưới nên mỗi năm, gia đình ông chỉ trồng lúa 1 vụ, bấp bênh, năng suất thấp. Năm 2014, gia đình ông Phát chuyển 6 sào đất ruộng trồng lúa sang sản xuất hoa màu, cây trồng cạn. “Mình phải tìm cách để thoát khỏi cảnh trồng cây lương thực phụ thuộc vào nước trời. Vậy là sau khi được địa phương khuyến khích, tôi chuyển sang trồng xà lách, cải, rau dền đỏ, rau húng, cà chua trên 6 sào đất ruộng. Sản xuất rau quả thuận lợi bởi chủ động được nguồn nước tưới. Còn đầu ra,  trồng trái vụ luôn cho thấy ưu thế” - ông Phát nói. Tính trung bình trong mỗi tháng, gia đình ông Phát bán được khoảng 10 triệu đồng cho mỗi sào trồng cây trồng cạn. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông ổn định nguồn thu hơn 40 triệu đồng. Cũng ở tại xã Bình Sa, bà Võ Thị Thuận (tổ 2, thôn Châu Khê) đầu tư trồng cà chua và rau sạch trên gần 10 sào đất. Sau mỗi vụ sản xuất có thời gian 3 tháng, gia đình bà Thuận thu được khoảng 10 triệu đồng cho mỗi sào cà chua, rau sạch sau khi đã trừ chi phí.

Gia đình bà Võ Thị Thuận trồng rau sạch.             Ảnh: V.Quang
Gia đình bà Võ Thị Thuận trồng rau sạch. Ảnh: V.Quang

Theo UBND xã Bình Sa, ngoài trồng rau, cà chua, các nông hộ trên địa bàn xã cũng đã chủ động chuyển các diện tích trồng lúa cho năng suất thấp sang canh tác đậu phụng và dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. “Để nâng cao giá trị kinh tế cho các mặt hàng nông sản, địa phương đang chú trọng quy hoạch, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt xã đang quy hoạch vùng trồng rau sạch có diện tích 7ha tại thôn Châu Khê để đưa vào trồng thử nghiệm như cách làm rau sạch ở Hưng Mỹ (Bình Triều, Thăng Bình) và Trà Quế (Cẩm Hà, TP.Hội An). Còn về cây đậu phụng, từ việc phân bố các vùng cụ thể đã có, địa phương xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp thu mua tập trung rồi chế biến tại chỗ, tiếp tục khẳng định thương hiệu dầu phụng Bình Sa” - ông Hà Như Diêu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Thăng Bình đã hình thành các cánh đồng mẫu tập trung canh tác các loại cây trồng cạn. Ví như cánh đồng tập trung trồng đậu phụng có diện tích 40ha ở xã Bình Nam đem lại thu nhập hơn 60 triệu đồng/ha/năm. UBND huyện Thăng Bình cho biết, trong thời gian đến, huyện tiếp tục nâng cấp các công trình thủy lợi, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đầu bờ, đào tạo những khuyến nông viên nòng cốt tại cấp cơ sở, hỗ trợ cho nông dân áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật cũng như thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển công nghệ chế biến, hướng đến sản xuất bền vững khi canh tác trồng các loại cây trồng cạn.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG