Những mũi đột phá

NG.SỰ - NG.ĐOAN 25/03/2015 08:34

Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Quế Sơn đã tập trung mọi nỗ lực để tạo “cú hích” trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và chú trọng thu hút đầu tư, tạo cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc…

Xây dựng hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá ở Quế Sơn.Ảnh: NGUYỄN SỰ
Xây dựng hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá ở Quế Sơn.Ảnh: NGUYỄN SỰ

Chú trọng nông nghiệp

Đến thôn Mông Nghệ Bắc, xã Quế Phú, gặp ông Hoàng Bài đang bón phân thúc đòng cho 4 sào ruộng lúa, chúng tôi hỏi chuyện sản xuất, ông nói: “Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ nguồn giống chất lượng, nước tưới dồi dào, quản lý tốt dịch hại tổng hợp nên nông dân địa phương hết sức phấn khởi vì liên tục được mùa. Trước năm 2005, bình quân sào ruộng chỉ thu chừng 240kg lúa khô, còn bây giờ đã tăng lên 330kg”.

Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 3.200 - 3.796ha lúa. Nhằm đảm bảo nước tưới, sau ngày quê hương giải phóng đến nay Quế Sơn đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi. Chỉ riêng trong vòng 10 năm trở lại đây, mỗi năm huyện dành không dưới 4 tỷ đồng nâng cấp các hồ chứa, đập thời vụ, trạm bơm điện và kiên cố hóa hệ thống kênh mương. Cùng với chuyển giao rộng rãi tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thời gian qua địa phương đã chi khoản kinh phí không nhỏ để thực hiện công tác khảo nghiệm, du nhập nhiều giống lúa mới hỗ trợ nông dân gieo sạ đại trà. Với sự đầu tư có chiều sâu đó, năm 2014 năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 54 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với năm 2010. Nhờ thực hiện tốt khâu dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng cường liên doanh liên kết nên hiện nay tại các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Hiệp đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống hàng hóa với tổng diện tích 250ha. Theo nhiều nông dân, sản xuất lúa giống không chỉ mức lãi ròng cao gấp 2 - 3 lần so với làm lúa thương phẩm mà đầu ra cũng rất ổn định nhờ doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Quế Sơn còn đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp và xem là hướng mở thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết: “Toàn huyện có tổng cộng 11.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có 8.000ha đất rừng sản xuất, mỗi năm nhà nông khai thác khoảng 500ha rừng sản xuất, thu về 30 tỷ đồng, giúp không ít phận nghèo làm nên những cuộc đổi đời”.

Nỗ lực thu hút đầu tư  

Sáng nay 25.3, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chính thức khởi công xây dựng Khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may tại Cụm công nghiệp Hương An 1 trên diện tích 10ha đất, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến quý IV năm 2017 toàn bộ khu liên hợp sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.500 lao động. Dự kiến, hàng năm khu liên hợp có doanh thu 2.000 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu 40 triệu USD.

Ông Dương Ngọc Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Quế Sơn cho biết, cách đây 2 năm, các cụm công nghiệp Quế Phú, Hương An 1, Hương An 2 của huyện với tổng diện tích 75ha đã được bổ sung vào danh mục quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp của tỉnh. Thời gian tới, huyện sẽ hình thành thêm 6 cụm công nghiệp để tiếp tục đón các nhà đầu tư. Để việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào địa bàn mang lại hiệu quả, Quế Sơn đã thành lập Ban điều hành khuyến công, in tập quảng bá hình ảnh công nghiệp và tiềm năng của địa phương giới thiệu với các nhà đầu tư.

Trên địa bàn Quế Sơn hiện có 38 doanh nghiệp và 905 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho 3.000 lao động nông thôn; trong đó, may mặc, chế biến dăm gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng là những ngành chủ lực. “Nhờ phát triển mạnh nên năm 2014 tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Quế Sơn đạt 916 tỷ đồng, tăng 593 tỷ đồng so với năm 2010; nếu năm 2005 tỷ trọng sản xuất chỉ chiếm 25,6% trong tổng giá trị nền kinh tế của huyện thì nay đã tăng lên 36%. Từ nay đến năm 2020, Quế Sơn phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 25%/năm” - ông Hoàng nói.

Tập trung cho hạ tầng giao thông

Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày quê hương giải phóng, niềm vui như được nhân đôi với chính quyền, nhân dân Quế Sơn khi tuyến đường trọng yếu ĐH01-QS hoàn tất thi công và khánh thành ngay trước thềm kỷ niệm giải phóng quê hương. Dự án này được khởi công xây dựng vào tháng 10.2010 với tổng kinh phí đầu tư 220 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Chiều dài toàn tuyến 22km, từ ngã ba Phú Trang (xã Quế Xuân 2) qua Quế Hiệp đến Quế Long. Cùng với việc thi công tuyến đường, dọc hai bên đã mọc lên nhiều ngôi nhà mới, tường rào, cổng ngõ khang trang kiên cố, mang lại cho nông thôn bộ mặt mới. Tuyến đường hoàn thành, việc lưu thông hàng hóa, nông - lâm sản được thuận lợi, qua đó giúp nhà nông nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước cải thiện cuộc sống. Mặt khác, đưa vào sử dụng tuyến đường ĐH01-QS này sẽ giảm áp lực giao thông trên tuyến ĐT611 và rất thuận tiện cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra lũ lụt. Đồng thời góp phần vào việc phát triển các khu du lịch sinh thái như suối Tiên (xã Quế Hiệp), suối Nước Mát, đèo Le (xã Quế Long).

Ông Dương Ngọc Hoàng cho hay, ngoài tuyến ĐH01-QS, những năm qua huyện đã dồn nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn tại nhiều địa phương nhằm tạo đòn bẩy cho kinh tế - xã hội phát triển. Ngoài 8,5km quốc lộ 1 qua địa bàn và 110km đường huyện đã được thảm nhựa, bê tông hóa; hằng năm Quế Sơn đầu tư ít nhất 25 tỷ đồng kiên cố hóa các trục đường liên xã, liên thôn, liên xóm. Đến nay, trong tổng số 508km đường xã và dân sinh, đã có 398km được cứng hóa. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ mở ra cho Quế Sơn nhiều cơ hội phát triển trong tương lai...

NG.SỰ - NG.ĐOAN

NG.SỰ - NG.ĐOAN