Khẩn trương ra quân chống hạn
Cuối tuần qua, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam phối hợp cùng UBND huyện Điện Bàn tổ chức ra quân chống hạn với quyết tâm tiếp tục giành thắng lợi trong vụ sản xuất đông xuân 2014 - 2015 này.
Nguy cơ mất mùa
Vụ đông xuân năm nay, bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn Ngân Câu (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) gieo sạ tổng cộng 4 sào lúa trên cánh đồng Ngân Hà. Bà Nhung cho biết, hiện giờ cây lúa đã kết thúc thời kỳ đẻ nhánh và đang bước vào giai đoạn làm đòng. Thế nhưng, suốt 2 tuần qua, do mực nước trên sông Thu Bồn liên tục xuống thấp khiến mặn thường xuyên xâm nhập sâu vào trạm bơm điện Tứ Câu với nồng độ cao. Vì công trình thủy lợi trọng yếu này vận hành khó khăn nên mấy ngày gần đây toàn bộ diện tích lúa của bà Nhung và nhiều hộ dân khác trong vùng bị thiếu nước tưới trầm trọng. “Nếu tình trạng nhiễm mặn kéo dài thì vụ này năng suất lúa giảm mạnh là điều khó tránh khỏi. Còn nhớ cách đây 3 năm, cũng do mặn hoành hành dữ dội mà 300ha lúa hè thu đang trổ đòng rộ của nông dân địa phương không có nưới tưới, dẫn đến chết héo” - bà Nhung lo lắng.
Khởi công xây dựng tuyến đập bổi ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Ảnh: VĂN SỰ |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn cho biết, từ trước Tết Nguyên đán đến nay mặn liên tục xâm nhập sâu vào tuyến sông Vĩnh Điện – một nhánh rẽ của sông Thu Bồn. Theo ông Chơi, có nhiều thời điểm nồng độ mặn đo được lên đến 5 phần nghìn, trong khi đó theo quy định thì phải dưới 0,8 phần nghìn mới có thể vận hành các trạm bơm hút nước tưới cho những ruộng lúa non. Ông Chơi nói: “Mấy năm trước, thường vào giai đoạn cuối vụ đông xuân thì mặn mới xuất hiện. Thế nhưng, vụ này mặn lại xâm nhập quá sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước tưới cho khoảng 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cây lúa của huyện Điện Bàn và một số địa phương lân cận. Ngay từ bây giờ phải vào cuộc quyết liệt và đề ra những biện pháp đối phó hữu hiệụ để giảm thiệt hại cho cây lúa”.
Còn theo ông Vũ Đình Niên – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, nhất là vào mùa khô lượng mưa ít, kèm theo các đợt nắng nóng kéo dài nên mực nước trên các hồ đập, sông suối liên tục xuống thấp. Ông Niên nói: “Từ năm 2012 đến nay, tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội địa với nồng độ tăng dần làm cho các trạm bơm điện ở khu vực hạ du sông Thu Bồn thuộc huyện Điện Bàn và Duy Xuyên thường xuyên hoạt động èo uột, thậm chí phải ngừng vận hành nhiều ngày, gây ảnh hưởng rất lớn đến khâu sản xuất và sinh hoạt của người dân”.
Nỗ lực cứu lúa
Chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn kịp thời Phát biểu tại lễ ra quân chống hạn sáng 28.2, ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, năm 2015 tình hình thời tiết vẫn diễn biến hết sức phức tạp, việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn. Vì vậy, để đối phó hiệu quả với tình trạng khô hạn, ngay từ bây giờ ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn, triển khai đồng bộ các giải pháp chống nhiễm mặn. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm, nhất là tại các khu vực đang bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, vận động người dân tích cực ra quân nạo vét các tuyến kênh mương chính, nội đồng và đắp bờ vùng bờ thửa. Đặc biệt, nhất thiết phải sớm củng cố, kiện toàn đội ngũ thủy nông viên cơ sở, tăng cường khâu quản lý điều hành, phân phối nước thông qua hoạt động của các tổ chức sử dụng nước ở địa phương. Riêng về việc xây dựng công trình đập thời vụ trên tuyến sông Vĩnh Điện, ông Điềm yêu cầu đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng thời gian quy định, đảm bảo chất lượng công trình, kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất, trước mắt là trong vụ đông xuân 2014 - 2015 này. |
Để chủ động đối phó với tình hình khô hạn và nhiễm mặn, ngày 28.2 vừa qua, hàng trăm người dân ở vùng đông huyện Điện Bàn cùng nhiều công nhân của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam và Công ty CP An Thịnh đồng loạt ra quân đắp đập bổi ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện đoạn chảy qua địa phận thôn Ngân Câu. Ông Nguyễn Bán – một nông dân địa phương bộc bạch: “Đang lúc lo lắng không biết mấy sào lúa bị thiếu nước tưới sẽ ra sao thì hôm nay các ngành, các cấp khẩn trương đầu tư thi công con đập này. Bây giờ, bà con nông dân ở đây như trút bớt gánh nặng. Hy vọng, ruộng lúa sẽ tiếp tục lên xanh, cho thêm một vụ mùa bội thu”. Tuyến đập này có tổng chiều dài hơn 95m, chiều cao 5 - 7m, cao trình đỉnh 1,3m, bề rộng mặt đập khoảng 3m được bọc vải địa kỹ thuật và đắp một lớp bao cát ngăn nước chảy tràn, ngăn toàn bộ mặt cắt sông Vĩnh Điện. Thân đập được đắp bằng đất cát hút từ sông lên, mái đập gia cố bằng cọc cừ bạch đàn kết hợp với các tấm trục trịch làm bằng tre, vải bạt ny lon chống thấm… Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 1,2 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh. Công trình do Công ty CP An Thịnh đảm nhận thi công, phấn đấu hoàn thành trong vòng 15 ngày.
Theo quan sát của phóng viên Báo Quảng Nam, hiện nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật tư đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đập bổi này nhằm sớm ngăn chặn tình trạng mặn xâm nhập, kịp thời đưa nước về đồng ruộng. Ông Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Điện Bàn cho biết, đây là năm thứ ba các đơn vị liên quan triển khai xây dựng đập bổi trên sông Vĩnh Điện. “Việc xây dựng công trình này là giải pháp tối ưu hiện nay. Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế mà nó mang lại rất lớn. Thử làm một phép tính đơn giản, nếu 2.000ha lúa thoát khỏi tình trạng chết héo thì nông dân sẽ thu về ít nhất 50 tỷ đồng, trong khi đó chúng ta chỉ bỏ ra 1,2 tỷ đồng để tạo lá chắn ngăn mặn giữ ngọt cho các trạm bơm điện ở vùng hạ du sông Thu Bồn hoạt động ổn định. Mà đâu chỉ vụ sản xuất đông xuân này, hè thu 2015 sắp tới nông dân cũng sẽ không còn nơm nớp lo mặn xâm nhập” – ông Đức nói.
HOÀI NHI