Qua những mùa gieo hạt
Trải qua 40 mùa xuân, đồng đất xứ Quảng một thời oằn mình hứng chịu mưa bom bão đạn giờ đã thực sự chuyển mình…
1.Mẹ tôi kể rằng, trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, nhiều cánh đồng lúa rộng mênh mông của xứ Quảng này bị đạn bom cày xới khốc liệt. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, để có hạt gạo đổ nồi, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh lại phải đồng cam cộng khổ lấp từng hố bom, khai hoang từng thửa ruộng. Tuy nhiên, thời điểm ấy, do đất đai manh mún, hạ tầng thủy lợi yếu kém, trình độ canh tác còn quá lạc hậu nên mùa màng liên tục thất bát. Theo lời mẹ, hồi đó, ở làng Mông Lãnh (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) quê tôi, vụ nào thắng lợi thì mỗi sào thu hoạch được mươi ang lúa khô, còn nếu thất bại, không còn cách nào khác là phải nấu theo cái kiểu tám phần sắn hai phần gạo, nhưng cũng bữa đói bữa no.
Chăm sóc khổ qua để bán vào dịp tết năm nay.Ảnh: VĂN SỰ |
Xác định nước tưới là tiền đề trong sản xuất nông nghiệp, ngày 29.3.1977 chính quyền và nhân dân trên toàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) chung sức khởi công xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền, hàng nghìn nông dân hăng hái tham gia gánh đất đắp hồ và đào kênh dẫn. Sau hơn 8 năm 9 tháng khẩn trương thi công, đến ngày 31.12.1985, toàn bộ 12 hạng mục đầu mối và 479km kênh mương các loại của công trình thủy lợi trọng yếu này chính thức hoàn thành, đảm bảo phục vụ nước tưới cho 23.000ha đất canh tác ở các địa phương. Theo ông Huỳnh Hoàng – Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam, thời điểm ấy phương tiện máy móc quá thô sơ nên việc xây dựng chủ yếu bằng thủ công. Vì thế, nếu không có sức dân thì chắc chắn rằng sẽ chẳng bao giờ có được công trình đại thủy nông Phú Ninh. Từ đó đến nay, nhất là sau ngày tái lập tỉnh, Quảng Nam đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 73 hồ chứa lớn nhỏ cùng hàng loạt hệ thống kênh mương, đập dâng, trạm bơm điện, đập thời vụ… nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho hơn 87.000ha lúa và gần 67.000ha cây trồng cạn các loại vào mỗi năm.
Hồi còn đương chức, nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Tiên luôn bảo rằng, bên cạnh việc nỗ lực xây dựng hạ tầng thủy lợi thì cái mà Quảng Nam tạo dấu ấn lớn nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp đó chính là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Sau khi thực hiện thí điểm ở vài nơi, bắt đầu từ năm 2000 nông dân trên địa bàn tỉnh đồng loạt chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc trong năm. Đây được xem là một sự lựa chọn hết sức phù hợp nhằm lách tránh những rủi ro do dịch bệnh và thời tiết gây ra. Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để tạo cú hích mạnh cho cây lúa, cùng với việc định hình một khung thời vụ hợp lý thì những năm qua Quảng Nam cũng đặc biệt chú trọng đến công tác phục tráng, chọn lọc, lai tạo nhằm đảm bảo nguồn giống lúa kỹ thuật phục vụ nông dân gieo sạ đại trà. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn tập trung chuyển giao rộng rãi cho nhà nông quy trình thâm canh cây lúa theo hướng cải tiến. Không chỉ vậy, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, hàng nghìn hộ dân có điều kiện mua sắm các loại máy móc để cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch và bảo quản, sơ chế nông sản nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
2. Tháng Chạp, lội trên những bãi biền trĩu nặng phù sa ven sông Thu Bồn, đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của các loại cây trồng cạn chủ lực. Đang lom khom chăm chút những ruộng ớt xen canh với đậu cô ve, thấy khách lạ, ông Hồ Kiệu ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) liền nghỉ tay. Rít một hơi thuốc dài, ông Kiệu nói, hồi trước do nước tưới quá khó khăn khiến việc canh tác không mang lại hiệu quả. Mấy năm gần đây, nhờ được ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi hóa đất màu nên khâu sản xuất không còn vất vả, từng bước chuyển dần theo hướng hàng hóa tập trung. Ông Kiệu chia sẻ: “Đông xuân năm ngoái, tôi cũng trồng xen 2 loại cây này trên 3 sào đất. Nhờ năng suất cao, giá bán hấp dẫn nên sau khi trừ chi phí tôi thu về mức lãi ròng không dưới 12 triệu đồng. Bây giờ, cả ớt và đậu đang phát triển rất tốt, hy vọng ăn Tết Nguyên đán Ất Mùi xong sẽ kiếm được số tiền tương đương vụ trước”. Ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, với phương châm Nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, toàn huyện đã đầu tư ít nhất 15 tỷ đồng để thủy lợi hóa gần 900ha đất màu. Hiện nay, địa phương đã hình thành được hàng chục vùng chuyên canh cây trồng cạn theo hướng sản xuất tập trung với tổng diện tích xấp xỉ 400ha, bình quân mỗi năm 1ha cho giá trị 120 - 180 triệu đồng.
Cận tết, trên nhiều cánh đồng của huyện Đại Lộc, nông dân đang hối hả bón thúc phân cho những loại cây công nghiệp ngắn ngày. Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Đại Nghĩa tâm sự: “Lâu nay, sản xuất cây trồng cạn là hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế hộ ở vùng quê này. Vì vậy, dù có bận lo chuyện tết nhứt thì cũng không thể bỏ bê ruộng đồng. Tôi có 5 sào đất màu, mỗi năm kiếm được hơn 30 triệu đồng tiền lãi từ việc trồng đậu phụng, ớt, bắp lai, đậu cô ve theo phương thức luân canh, gối vụ”. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, tính đến thời điểm này toàn huyện đã có không dưới 2.800ha đất màu cho giá trị kinh tế cao. Trong đó, có 800ha đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm, còn lại đạt 80 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài 2 huyện vừa nêu thì những năm qua việc chuyên canh, xen canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày cũng được chính quyền và nhân dân nhiều nơi khác quan tâm. Thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 9.000ha đất màu sản xuất theo phương thức hàng hóa, mỗi năm 1ha mang lại cho nhà nông mức thu nhập 90 - 200 triệu đồng. Đây là tín hiệu hết sức lạc quan, mở ra nhiều triển vọng cho lĩnh vực trồng trọt.
NGUYỄN VĂN SỰ