Khúc biến tấu từ cây dó bầu
Tiên Phước được biết đến là quê hương của những đặc sản nổi tiếng như lòn bon, quế, tiêu… Những năm gần đây, Tiên Phước còn được vinh danh là “địa chỉ” của những sản phẩm từ cây dó mà trầm cảnh, trầm hương là đặc trưng.
Các nghệ nhân chế tác trầm cảnh. |
Gửi hương cho… dó
Có thể nói Tiên Phước là mảnh đất đặt nền móng đầu tiên cho việc tạo trầm trên cây dó bầu, mà người đi tiên phong phải kể đến là hai phu trầm Nguyễn Hoàng Huy và Nguyễn Hảo (thôn 5, xã Tiên Mỹ). Từ năm 1990, anh Huy mạnh dạn bỏ tiền mua cây dó bầu ở các vườn nhà dân trong huyện, khoan và đưa chất xúc tác vào nuôi cấy trầm. Bốn năm sau, chỉ với 2 cây dó đã cho anh 30kg trầm loại 6 và 1kg trầm loại 4. Đến năm 2000, hàng loạt cây dó còn lại đã cho anh hàng chục ký trầm loại 5 và 4 với số tiền thu được gấp 15 lần số vốn ban đầu. Cơn sốt dó bầu bùng phát trên đất Tiên Phước đã nhanh chóng lan tỏa đến nhiều địa phương khác. Những cây dó nằm lặng lẽ trong vườn nhà bỗng chốc trở thành “tài sản”, nhiều vườn ươm dó bầu nhanh chóng hình thành. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn huyện đã có gần 20 vườn ươm với trên hàng trăm ngàn cây giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện số lượng vườn ươm cây giống trên địa bàn Tiên Phước đã lên đến hàng trăm.
Nếu như trước đây hồ tiêu được xem là cây chủ lực, đặc sản của vùng trung du Tiên Phước thì kể từ thập niên 1990, cây dó đã chiếm vị trí “thượng phong” trong vườn nhà của người dân nơi đây. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 3.500 hộ trồng dó với số lượng hơn 1 triệu cây, diện tích 980ha, được phân bổ nhiều ở các xã Tiên An, Tiên Cảnh, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp… Nghề trồng dó bầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao mà những người nông dân từ bao đời thu nhập manh mún trên ruộng đồng một nắng hai sương khó có cơ hội với tới. Mỗi cây dó 4 - 5 tuổi có giá đến hàng triệu đồng, loại cây dó có đường kính từ 15cm trở lên có thể xử lý nuôi cấy trầm (1 năm là có thể cho trầm loại 6, 7), trị giá cả chục triệu đồng.
Tại lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và trao giải thưởng “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2014” vừa qua, trầm cảnh Tiên Phước đã đoạt giải cao và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. |
Không dừng ở việc ươm, trồng, bán cây giống, cây đứng cho các thương lái tạo trầm, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở các cơ sở chế tác trầm hương, trầm cảnh. Kinh nghiệm hàng chục năm “ăn nằm” với dó đã cho các phu trầm miệt vườn Tiên Phước những “bí quyết” kích thích tạo trầm và đây chính là nguồn nguyên liệu sẵn có để chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh, đưa trầm hương, trầm cảnh Tiên Phước trở thành hàng hóa xuất ngoại với nguồn cung dồi dào, chất lượng và đạt đến giá trị nghệ thuật. Về Tiên Phước ghé các cơ sở của anh Đặng Ngọc Huyên, Trương Công Lương (thị trấn Tiên Kỳ) hay cơ sở của anh Hoàng Văn Trưởng (xã Tiên Cảnh) là có thể chiêm ngưỡng sự tài tình và khéo léo trong chế tác trầm cảnh của các “nghệ nhân chân đất”. Những khối gỗ thô cứng, lồi lõm, những gốc cây trơ rễ chằng chịt… tưởng chừng khó “thuần phục”, vậy mà qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã trở nên những tác phẩm nghệ thuật.
Mở rộng quy mô
Tính đến nay, huyện Tiên Phước đã có trên 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trầm hương, trầm cảnh. Chất lượng sản phẩm dần được nâng cao, mẫu mã ngày càng đa dạng, phong phú đã tạo được tiếng vang trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông… đến Tiên Phước tham quan, tìm hiểu tiềm năng dó bầu để có hướng hợp tác kinh doanh. Trầm hương, trầm cảnh Tiên Phước cũng đã được xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia và có mặt tại các hội chợ thương mại quốc tế. Việc phát triển nghề trầm hương, trầm cảnh đã góp phần giải quyết việc làm và từng bước nâng cao thu nhập cho hơn 2.000 lao động tại địa phương, bình quân mỗi tháng 4,5 - 5 triệu đồng/lao động. Doanh thu của ngành sản xuất trầm hương, trầm cảnh của địa phương mỗi năm đạt gần 160 tỷ đồng với con số lợi nhuận xấp xỉ 30 tỷ đồng. Năm 2014 thu nhập từ dó, trầm đã đóng góp khoảng 130 tỷ đồng vào tổng thu nhập của sản xuất nông - lâm nghiệp huyện (chiếm 12%), góp phần quan trọng nâng cao giá trị và tạo đà phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch trên địa bàn.
Có thể nói, trầm hương, trầm cảnh đã mở ra một trang mới cho cây dó bầu Tiên Phước. Sự biến hóa từ những cây dó vô cảm thành những tác phẩm nghệ thuật mang tên trầm hương - trầm cảnh là cả một bước đi dài, có sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của nhiều “nghệ nhân trầm” ở xứ Tiên. Từ những bước đi đầu tiên manh mún, nhỏ lẻ do đầu ra cho sản phẩm không ổn định, đến nay thương hiệu trầm hương Tiên Phước đã được nhiều người biết đến. Năm 2013, Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước được UBND tỉnh cho phép thành lập, đánh dấu cho bước đi mới của nghề trầm hương ở Tiên Phước. UBND huyện Tiên Phước đã quan tâm đầu tư, xây dựng nhiều đề án, dự án, các hoạt động khuyến công thiết thực. Đặc biệt việc xây dựng làng nghề trầm hương với diện tích 15.600m2 tại Cụm công nghiệp Bình Yên (thị trấn Tiên Kỳ), trong đó dự án Xây dựng vùng nguyên liệu cây dó bầu và sản xuất tinh dầu trầm xuất khẩu quy mô công nghiệp” được xác định là hướng phát triển bền vững, hiệu quả cho cây dó bầu địa phương.
KIM THIỆN