Chộn rộn cung ứng rau củ dịp tết
Những ngày này, nông dân tất bật chăm sóc, thu hoạch nông sản để hướng tới một cái tết với đầy đủ thứ rau củ quả đặc trưng vùng miền.
Tất bật thu hoạch kiệu tết. Ảnh: H.L |
Trà Quế vào vụ
Nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, Hội An) những ngày này tất bật với vụ mùa quan trọng nhất trong năm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2 tấn rau các loại từ đây được đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Dịp Tết Nguyên đán này, người dân tăng cường trồng xen kẽ nhiều chủng loại rau nên sản lượng cao gấp đôi, gấp ba thường ngày. Những chủng loại ngò, húng, xà lách, tần ô, hành… được ưu tiên trồng nhiều cho tết. Vừa thoăn thoắt nhổ rau để kịp giao hàng cho tiểu thương, ông Võ Văn Tú (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà) chia sẻ, gia đình ông trồng rau các loại trên 700m2, dịp tết này ông ưu tiên trồng các loại cải bùng binh, cải bằng, cải xanh, rau muống, xà lách, mồng tơi, dền, rau răm… chủ yếu để bán ở chợ và bỏ mối cho tiểu thương. Thời điểm này, trong khi các loại xà lách, hành, ngò, húng… có phần giảm nhẹ so với ngày thường thì rau muống, dền, mồng tơi lại được giá và được các siêu thị tiêu thụ mạnh. Bà Lê Thị Thúc, một nông dân Trà Quế cho biết thêm: “Dù thời điểm này giá cả các loại rau tết có phần giảm song chúng tôi không lo lắng mấy bởi năm nào cũng vậy, cận tết hoặc dịp đầu năm là rau lại tăng giá trước nhu cầu rất lớn của thị trường. Rau húng thời điểm này có giá 40 - 50.000 đồng/kg, xà lách là 15.000 đồng/kg, mồng tơi 15 - 20.000 đồng/kg… song cận tết giá sẽ cao hơn nữa”.
Vụ tết cũng là mùa vụ ăn nên làm ra của làng rau, với lứa rau tết, nhiều hộ có doanh thu hàng triệu đồng mỗi ngày. Bà Thúc nói: “Từ khi rau Trà Quế có nhãn hiệu, những người bán rau như tôi được xếp vào một khu riêng tại các chợ Hội An để dễ dàng phân biệt với rau trôi nổi. Dù giá có cao hơn nhưng người tiêu dùng vẫn đến chọn mua rau Trà Quế khiến chúng tôi rất mừng. Do đã biết tiếng làng rau, khách du lịch hoặc người dân còn tìm tới tận nơi mua với số lượng nhiều để biếu và dùng dịp tết”. Đặc biệt, nhờ tiếp cận với kỹ thuật sản xuất an toàn, nông dân nơi đây không sử dụng phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu mà chỉ bón rau bằng rong vớt từ sông, bón phân vi sinh và dùng thuốc phòng trừ dịch hại sinh học. Hiện làng rau Trà Quế có khoảng 200 hộ tham gia sản xuất với 30 chủng loại rau trên diện tích 26ha, trong đó một diện tích không nhỏ hướng tới sản xuất theo hướng an toàn.
Hối hả thu hoạch kiệu
Cận tết cũng là thời điểm người dân các thôn Tân Phong (Duy Châu), Vĩnh Trinh (Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) hối hả thu hoạch củ kiệu để cung ứng cho thị trường. Dù vùng kiệu Duy Xuyên những năm gần đây có phần sụt giảm về diện tích, song loại cây này vẫn được bà con lưu giữ như một loại cây trồng truyền thống. Nếu giống kiệu trâu ở các vùng Thăng Bình, Quế Sơn củ to, trắng và ăn có phần hắc, không giòn thì giống kiệu sẻ ở vùng này, do đặc trưng thổ nhưỡng, củ có phần nhỏ nhưng ăn rất giòn và không hắc nên rất được ưa chuộng. Bà con ở vùng Tân Phong, Vĩnh Trinh bao đời nay sống với nghề trồng kiệu, tuy không phải là cây trồng cho năng suất cao, nhưng so với cây lúa, cây sắn, kiệu vẫn được xem là cây xóa đói giảm nghèo.
Thời điểm này, giá kiệu trên thị trường dao động 13 - 15.000 đồng/kg, những ngày qua, tiểu thương đã tìm về vùng Tân Phong, Vĩnh Trinh để gom hàng. Bà Đinh Thị Phượng (thôn Vĩnh Trinh) cho hay: “Tuần trước, tôi đã nhổ cả tấn kiệu để giao cho bạn hàng. Hiện còn khoảng 2 sào kiệu chưa thu hoạch, nhẩm tính vụ này thu được khoảng 30 triệu đồng”. Cũng theo bà Phượng, ở xứ đất Đồng Vải này, mỗi năm người dân trồng 2 lứa kiệu, song tết là vụ chính. Vụ hè thu giá thành lên tới 25.000 đồng/kg, thì vụ tết thông thường kiệu có giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức này, mỗi sào kiệu có thể đem lại thu nhập cả chục triệu đồng. “Tiểu thương chỉ cần điện thoại là tôi sẽ nhổ kiệu để sẵn, chỉ việc tới chở đi. Kiệu có giá, lại là giống kiệu sẻ nên chúng tôi không sợ ế ẩm, nhiều người bán nếu được giá, còn không thì họ sẽ để lại ra tết giá cao vẫn được” - bà Phượng chia sẻ.
Nếu trước kia vùng đất Tân Phong là đất chủ lực của cây kiệu thì nay số hộ trồng chỉ còn 30 - 35 hộ, trồng rải rác trong vườn, trên đồi gò bên cạnh những loại cây hoa màu ngắn ngày khác. Theo ông Võ Hữu Sáu - Trưởng thôn Tân Phong, ở thôn Tân Phong, hộ trồng nhiều nhất là ông Thân Đình với diện tích lên tới 2 sào, còn lại người dân trồng nhỏ lẻ chủ yếu giải quyết nhu cầu ngày tết. “Tuy không còn là cây chủ lực, song loài cây này vẫn là đặc sản của vùng. Nhận thấy điều đó, xã đang có chủ trương quy hoạch vùng kiệu tập trung với diện tích lên tới 5ha, cùng với 15ha trồng dưa chuột để cung ứng cho nhà máy sơ chế vừa được khánh thành” - ông Sáu cho hay.
HOÀNG LIÊN