Hướng đến an toàn dịch bệnh
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Quyết định số 47/QĐ-UBND quy định về điều kiện sản xuất - kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Quảng Nam (có hiệu lực từ ngày 4.1.2015). Dịp này, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT xoay quanh thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay và việc triển khai thực hiện quy định này.
- PV:Xin ông cho biết thực trạng của việc sản xuất - kinh doanh giống gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. |
- Ông Lê Muộn: Quảng Nam hiện có 3 trại chuyên sản xuất giống heo và một trại tổng hợp sản xuất giống heo, giống gia cầm. Số trại này đóng tại huyện Điện Bàn và Thăng Bình. Về quy mô, mỗi trại có dưới 100 con heo nái ngoại cấp giống ông bà. Còn những cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, manh mún, hình thành một cách tự phát ngành nông nghiệp vẫn chưa thống kê được số lượng cụ thể.
- P.V:Vậy, chất lượng giống như thế nào, thưa ông?
- Ông Lê Muộn: Đối với 4 trại có quy mô vừa và lớn như tôi đã nêu, vấn đề chất lượng giống cơ bản đảm bảo. Với những cơ sở sản xuất giống heo và các lò ấp trứng gia cầm nhỏ lẻ thì rõ ràng là kém chất lượng. Ở loại hình này, gọi là giống mà không phải giống, nó tương tự như kiểu người ta lấy thóc thịt ngâm ủ rồi gieo sạ vậy. Có một điều đáng nói, những năm qua, lượng giống từ các trại sản xuất được xem là đủ chuẩn cung ứng ra thị trường rất ít, trong khi đó các cơ sở nhỏ lẻ lại chiếm số lượng cực kỳ lớn.
- P.V: Ông đánh giá ra sao về công tác quản lý giống gia súc, gia cầm?
- Ông Lê Muộn: Phải thừa nhận rằng, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về giống chăn nuôi còn yếu kém. Thực trạng đó ngành cũng đã nhìn thấy nhưng chưa xử lý được. Nếu bây giờ chiếu theo quy định của pháp luật tiến hành xử phạt hoặc xóa bỏ những cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, kém chất lượng thì lại không có hệ thống cung ứng giống tốt hơn để thay thế, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi. Nói tóm lại, nếu không có biện pháp thay thế thì việc xử lý sẽ không có tác dụng.
Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, cần tích cực vận động người dân xây dựng hầm khí biogas để xử lý chất thải. Ảnh: N.S |
- P.V: Còn thực trạng phát triển chăn nuôi, thưa ông?
- Ông Lê Muộn: Qua khảo sát, toàn tỉnh hiện có 55 trang trại, hơn 200 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô vừa và lớn. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại phần lớn là từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Nhưng, hình thức này đang là vấn đề rất đáng lo vì đa số chuồng trại đều nằm trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi.
- P.V:Ông kỳ vọng gì từ việc UBND tỉnh ban hành quy định về sản xuất - kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm?
- Ông Lê Muộn: Tôi cho rằng, quy định này ra đời là rất cần thiết đối với vấn đề phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh ở Quảng Nam. Rõ nhất là tạo hành lang pháp lý để các cơ quan có trách nhiệm siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với khâu sản xuất và kinh doanh giống gia súc, gia cầm vốn rất lỏng lẻo trong nhiều năm qua. Theo tôi, có quy định này, chắc chắn thời gian tới việc quản lý nguồn gốc con giống sẽ thuận lợi hơn. Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, việc truy nguồn gốc xuất xứ con giống không gặp phải khó khăn như trước.
Hiện nay, tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới bắt buộc phải quy hoạch 1 - 2 khu chăn nuôi tập trung, mỗi khu có diện tích 2 - 5ha. Đây là điều kiện thuận lợi đối với các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa hoặc xây dựng cơ sở sản xuất giống vật nuôi với số lượng lớn. Qua đó, góp phần giảm dần hình thức chăn nuôi thương phẩm và sản xuất giống nhỏ lẻ trong nông hộ để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Và hẳn nhiên, khi các chủ đầu tư đăng ký xây dựng cơ sở tại những khu chăn nuôi tập trung đó, bắt buộc phải tuân thủ triệt để các yêu cầu trong quy định này.
- P.V:Thưa ông, liệu việc áp dụng quy định đã nêu đối với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ có khả thi?
- Ông Lê Muộn: Phải nói ngay là rất khó khả thi. Khi tham gia xây dựng quy định này, ngành nông nghiệp cũng rất băn khoăn trong việc bắt buộc người chăn nuôi nhỏ lẻ phải có hồ sơ môi trường. Tuy nhiên, ngành môi trường đề nghị phải có. Ý kiến bảo lưu của ngành môi trường là đúng vì yêu cầu đó có trong quy định của pháp luật. Thế nhưng, theo tôi việc thực hiện vấn đề này là không hề dễ. Bởi như tôi đã nói, hiện nay hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ phần lớn có chuồng trại không đảm bảo vệ sinh, hầu hết nằm trong các khu đông dân cư. Vì thế, việc đưa yêu cầu ấy vào quy định này có chăng là tạo hành lang pháp lý, mà nói nôm na là tạo ra “cây gậy” để trên cơ sở đó tuyên truyền, vận động người dân tích cực đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bài bản, lắp đặt hầm khí sinh học biogas xử lý chất thải và nước thải nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường. Tóm lại, đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, vận động là chính chứ khó áp dụng chế tài xử lý…
- P.V:Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGUYỄN SỰ (Thực hiện)