Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

NGUYỄN QUANG VIỆT 06/01/2015 09:23

Hội thảo “Xây dựng giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2015 - 2020” tại huyện Thăng Bình, giúp địa phương tìm giải pháp, hướng đến ổn định sản xuất.

Sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện Thăng Bình.Ảnh: QUANG VIỆT
Sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện Thăng Bình.Ảnh: QUANG VIỆT

Nan giải đầu ra

Với tổng diện tích canh tác trồng trọt là 13.560ha, giá trị sản xuất trong năm 2014 là 830,9 tỷ đồng, chiếm 32,5% trong cơ cấu ngành. Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, trong thời gian qua, nhờ áp dụng nhiều biện pháp như dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, đưa giống mới thuần có năng suất cao cùng liên kết sản xuất giống nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng lên. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch sản xuất những sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường nên giá trị kinh tế thu được chưa cao. “Đầu ra của sản phẩm trồng trọt là vấn đề nan giải. Do sản xuất mang tính sàng đều, chưa xác định rõ ràng cây trồng mũi nhọn nên giá trị gia tăng trong sản xuất hàng hóa mang lại chưa rõ nét”- ông Nguyễn Văn Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình nói.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, giá trị tổng thể thu được từ ngành chăn nuôi trong năm 2014 là 864,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 33,8% trong cơ cấu ngành. Ông Nguyễn Văn Hương cho biết, trong thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện đã dần chuyển sang nuôi thâm canh, dùng nhiều loại thức ăn xanh, thức ăn tinh và nuôi quy mô tổng đàn khá nhiều. Các mô hình nuôi trên đệm lót sinh học, nuôi gà sinh thái, sử dụng công nghệ biogas, sử dụng men vi sinh xử lý vệ sinh chuồng trại đã được ứng dụng ngày càng phổ biến. Để kiểm soát dịch bệnh, huyện đã tổ chức mô hình thú y trọn gói, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Chính vì vậy lĩnh vực chăn nuôi có những kết quả đáng kể.

Ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói, khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp là đầu ra không có thị trường ổn định. Dễ hiểu khi cả người chăn nuôi lẫn người trồng trọt đều không an tâm mở rộng quy mô sản xuất. Do đó chăn nuôi hàng hóa chưa tạo ra chuỗi giá trị gia tăng như mong muốn. “Vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp của huyện lúc này là chọn ra được loại vật nuôi, cây trồng chủ lực có thị trường tiêu thụ ổn định và xây dựng cho được cơ sở chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Ngõ hầu phát triển bền vững ngành nông nghiệp phải giải quyết được nút thắt này”- ông Phan Công Vỹ nói.

Quy hoạch để phát triển

TS. Phan Vũ Hải, Khoa Chăn nuôi thú y, Trường Đại học Nông lâm Huế cho rằng, để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Thăng Bình phải giải quyết được 3 vấn đề. Đó là nuôi an toàn, “sạch” bệnh; hỗ trợ người nuôi và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện được 3 yếu tố này thì cốt yếu phải có quy hoạch. Huyện phải xây dựng cho được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tiến tới đạt các chuẩn VietGAP, Globalgap. “Để giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, địa phương nên quy hoạch chăn nuôi phát triển theo vùng, xã trọng điểm gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Huyện nên chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Cùng với đó là tăng hợp lý số lượng gia trại, trang trại chăn nuôi theo hướng phải đảm bảo hiệu quả, có quy trình chăn nuôi chặt chẽ, an toàn dịch bệnh, môi trường”- TS. Phan Vũ Hải nói. TS. Hải cũng cho rằng, Thăng Bình nên khuyến khích sản xuất bằng cách hỗ trợ các chủ trang trại chăn nuôi về máy móc thiết bị, lãi suất vốn vay để họ tự chế biến thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm nhằm sử dụng các sản phẩm tự có của ngành trồng trọt tại địa phương mà lại hạ giá thành sản xuất. Huyện rất cần phát triển đa dạng các loại hình hạ tầng thương mại phục vụ hoạt động kinh doanh hàng nông sản như chợ đầu mối tổng hợp, chợ nông thôn, chợ thành thị, trung tâm thương mại, siêu thị để giúp nông hộ tiếp cận, thiết lập và xây dựng hệ thống phân phối, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở cây trồng mũi nhọn là yếu tố quan trọng tạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo lợi thế từng vùng gắn với thị trường và tiêu thụ sản phẩm, PGS - TS. Hoàng Thị Thái Hòa, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế cho rằng, Thăng Bình cần đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các vùng chuyên canh lúa. Cùng với đó, là chọn lựa và đưa vào sử dụng các giống lúa có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đối với cây công nghiệp hàng năm, huyện cần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, trong đó xác định sắn là cây trồng chủ lực. Cây sắn cần được đầu tư thâm canh, tăng năng suất bằng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các giống mới có năng suất cao. Đối với cây cao su, Thăng Bình cần đẩy mạnh thâm canh sản xuất để tăng khối lượng, chất lượng sản phẩm vừa giảm chi phí sản xuất.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT