Những cánh đồng bội thu

TRẦN NGUYỄN 05/01/2015 09:31

Nhờ thâm canh cây trồng theo quy hoạch và luân canh phù hợp nên nhiều cánh đồng trên địa bàn Phú Ninh cho giá trị kinh tế cao.

Chuyên canh rau sạch

Tranh thủ chút nắng ấm, nông dân thôn Phú Mỹ (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) vội vã thu hoạch cải cay, xà lách đang xanh mơn mởn. Trên đồng, không khí lao động diễn ra gấp gáp. Hai chiếc xe tải nhẹ đã chạy thẳng vào đường làng thu mua rau. Chị Thu – người dân thôn Phú Mỹ cho biết, hiện một chục rau cải (gồm 12 bó) bán 50 nghìn đồng, giá bình ổn hơn nửa tháng nay, vì thế nông dân ai cũng lo thu hoạch sớm để chuẩn bị canh tác thêm vụ rau phục vụ dịp Tết Nguyên đán. “Tôi trồng rau 30 ngày thì nhổ sớm hơn so với mọi năm vì được giá. Trước đây người trồng chỉ bán lẻ tẻ ở chợ quê mỗi lần chỉ được vài trăm nghìn đồng, còn giờ thu hoạch bán sỉ một lần. Rau đem lại giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, đơn cử vụ lúa tốn đến 3 tháng, trong khi cũng thời gian đó, rau đã thu hoạch 2 lần” – chị Thu phân tích. Vào thời điểm đầu năm, vườn nhà nào cũng ngập đầy rau xanh. Nông dân Phú Mỹ cho hay, những cánh đồng bao quanh khu dân cư có mặt bằng cao ráo, rau màu rất thích hợp vào thời điểm mùa mưa do không lo ngập úng. Lý do nhiều người trồng rau vì ngoài cải thiện bữa ăn hàng ngày, nông dân còn liên kết bán cho các cơ sở thu mua rau số lượng lớn, họ cầm chắc trong tay phần huề vốn trở lên chứ không sợ… đánh bạc với trời như một số cây trồng khác.

Thu hoạch rau sạch tại xã Tam Phước. Ảnh: T.N
Thu hoạch rau sạch tại xã Tam Phước. Ảnh: T.N

Tại làng An Hòa (xã Tam An, Phú Ninh), những năm gần đây chỉ chuyên trồng rau phục vụ tết. Nhiều diện tích lúa cho thu nhập thấp ở vụ đông xuân đã chuyển hẳn thâm canh rau màu. Hàng trăm héc ta lúa ở các xã Tam An, Tam Đàn, Tam Dân, Tam Phước… đã được nông dân chuyển đổi sang hoa màu, đặc biệt rau xanh. Nhờ chính quyền khuyến khích chọn lựa cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, kèm theo hỗ trợ giống, kỹ thuật, định hướng thị trường nên nông dân gần như làm chủ được sản xuất. Sau vụ thu hoạch rau xanh ước khoảng 255ha, nông dân Tam Phước, Tam Thành, Tam An đồng thời dọn đất chuẩn bị cho vụ dưa hấu chính sau tết. Theo thống kê, năm 2014, cả huyện Phú Ninh thâm canh hơn 1.000ha dưa hấu (tăng 247ha so với năm 2013), thu về 115 tỷ đồng, người trồng có lãi khoảng 2/3 giá trị vốn đầu tư. Thương hiệu rau sạch theo hướng an toàn GAP ở Tam An, hay dưa hấu Tam Phước… đã dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Hiệu quả

Theo ông Trần Ngọc Bằng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, vùng nào triển khai tốt theo quy hoạch, bố trí luân canh cây trồng phù hợp, chắc chắn nơi đó cánh đồng sẽ cho thu nhập cao hơn. Giai đoạn 2011 - 2014, trên địa bàn huyện dồn điền đổi thửa gần 1.200ha. Đột phá của nền nông nghiệp Phú Ninh khởi nguồn từ những mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật, cánh đồng thu nhập cao… Sự trình diễn, tiến tới thực nghiệm thành công đã hoàn toàn thuyết phục được nông dân tay lấm chân bùn. Đồng bằng hẹp, chia cắt nhỏ vụn được nối thông nhau bằng việc thực thi đồng bộ chủ trương dồn điền đổi thửa. Nngười dân đã tiếp cận phương thức sản xuất mới, biết cách hạch toán kinh tế đơn giản nhất khi thâm canh cây trồng. Theo ông  Bằng, các cánh đồng áp dụng kỹ thuật với tổng diện tích hơn 500ha thâm canh giống lúa hàng hóa cho năng suất cao (hơn 70 tạ/ha). Từ vài mô hình mẫu, đến nay huyện Phú Ninh ra đời 143 cánh đồng (tổng diện tích hơn 846ha) thu nhập cao nhờ vận dụng linh hoạt luân canh cây trồng theo quy hoạch. Điển hình trồng dưa hấu vụ đông xuân và lúa giống hè thu; đậu phụng đông xuân, dưa xuân hè và bắp thu đông… “Riêng giống lúa hàng hóa và cấp 1 hóa giống lúa có gần 900ha, sản xuất khoảng 5.000 tấn giống lúa cung ứng cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh và phục vụ sản xuất, đồng thời giúp nông dân nâng cao nhận thức về tính ưu việt của ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất” - ông Bằng thông tin.

Thời gian qua, Phú Ninh chọn hướng đi riêng, chú trọng vấn đề “tam nông”. Các nghị quyết của Huyện ủy đã bám sát thực tiễn, phát triển mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thêm vào đó, kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất (giao thông, thủy lợi nội đồng, thủy lợi hóa đất màu, thủy lợi nhỏ…); tổ chức sản xuất gắn với liên kết, liên doanh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điều dễ nhận thấy là hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” dần ít xuất hiện trên đồng ruộng, thay vào đó là các loại máy móc cơ giới hiện đại, góp phần thay đổi không nhỏ cơ cấu lao động địa phương. Đến nay các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân của huyện đã sở hữu gần 100 máy móc nông cụ hiện đại, đáp ứng phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN