Sản xuất vụ lúa đông xuân 2014-2015: Nhà nông nhẹ gánh lo
Khác với những mùa trước, bước vào vụ sản xuất đông xuân này nông dân xứ Quảng thấy rất phấn khởi vì lượng giống lúa cung ứng trên thị trường không bị thiếu hụt và nguồn nước tưới cơ bản đảm bảo. Không chỉ vậy, thời gian qua chính quyền các địa phương còn tích cực hỗ trợ nhà nông đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm rút ngắn thời gian làm đất và thu hoạch…
Nhờ nỗ lực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên vụ này tiến độ làm đất diễn ra rất nhanh.Ảnh: VĂN SỰ |
Không thiếu giống
Ông Ngô Thanh Thảo trú thôn Vĩnh Xuân (Bình Trung, Thăng Bình) cho biết, theo kế hoạch ban đầu thì vụ đông xuân trước ông sẽ gieo sạ 9 sào lúa bằng loại giống dài ngày Xi23 trong trà 1. Tuy nhiên, do từ đầu tháng 9 đến gần cuối tháng 11.2013 mưa to lũ lớn liên tục hoành hành khiến nhiều diện tích sản xuất loại giống lúa này trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên bị hư hại nghiêm trọng nên nguồn cung trên thị trường rất khan hiếm. Tìm khắp các cửa hàng, đại lý nhưng không mua được 36kg giống lúa thuần Xi23 nên cuối cùng ông Thảo phải sử dụng giống lúa cũ 13/2 vốn bị nhiễm nặng bệnh đạo ôn để canh tác số diện tích vừa nêu. Đó là chuyện của năm ngoái, còn bây giờ thì khó khăn ấy không tái diễn. Ông Thảo nói: “Hơn một tháng nay, dạo qua nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, đâu cũng thấy người ta bày bán giống lúa Xi23 và nhiều loại giống lúa triển vọng khác. Do nguồn cung dồi dào nên tình trạng sốt giá không xảy ra. Mùa trước 1kg giống lúa Xi23 có giá 20-22 nghìn đồng nhưng nông dân vẫn giành nhau mua, còn nay nó đã quay về mức cũ là 13 nghìn đồng/kg”.
Không chỉ giống lúa thuần, hiện nay các loại giống lúa lai như Nhị ưu 838, Xuyên Hương 178, CNR6206, Syn6, TH3-3, TH3-5, Tej vàng… bán trên thị trường cũng với số lượng tương đối lớn và giá cả có phần “mềm” hơn nhiều. Bà Ngô Thị Thu Thủy ở thôn Mông Nghệ Bắc (Quế Phú, Quế Sơn) nói: “Đầu vụ đông xuân năm ngoái, giá 1kg giống lúa lai Nhị ưu 838 dao động 70 - 75 nghìn đồng nhưng bây giờ đã giảm xuống còn 63 - 67 nghìn đồng. Bắt tay vào sản xuất mùa lúa này, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bình ổn, còn giá giống thì giảm nên nhà nông thấy nhẹ gánh lo”.
Ông Phan Quang Dũng – Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở NN&PTNT) cho biết, đông xuân 2014-2015 nông dân 18 huyện, thành phố canh tác tổng cộng 43.000ha lúa, trong đó có 38.000ha lúa chính vụ và 5.000ha lúa nước trời. Ông Dũng nói: “Để gieo sạ hết số diện tích ấy thì nhà nông cần khoảng 3.440 tấn giống lúa các loại. Năm nay, nguồn giống lúa dự trữ trong dân không bị hư hại, trong khi đó tất cả doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa đều thắng lợi nên hiện nay lượng giống lúa thuần và lúa lai cung ứng ra thị trường rất nhiều. Vì vậy, vụ này nông dân không còn kêu ca vì chuyện thiếu giống và sốt giá như đông xuân trước”.
Nước tưới đảm bảo
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, đối với những khu vực ở vùng hạ du cần phải nhanh chóng xây dựng cụ thể phương án phòng chống hạn, vì rất nhiều khả năng mặn sẽ xâm nhập sâu vào các con sông trong vụ đông xuân này. |
Nhìn mấy đám ruộng vừa bừa và đánh luống xong, ông Lê Văn Tịnh ở xã Duy Phú (Duy Xuyên) hồ hởi: “Hè thu vừa rồi, do nguồn nước của hồ chứa Thạch Bàn không cung ứng đủ nên tôi phải gieo sạ 3 sào lúa của mình trễ hơn 15 ngày so với kế hoạch. Do làm không đúng lịch thời vụ khiến quá trình chăm sóc, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh gặp nhiều trở ngại. Còn bây giờ, nhờ hồ chứa ấy đã tích đầy nước nên việc đổ ải, xuống giống diễn ra rất thuận lợi và cũng hy vọng rằng trong suốt vụ đông xuân này sẽ không phải nai lưng chống hạn”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu vụ hè thu 2014 do nắng nóng kéo dài nên mực nước của hồ chứa Thạch Bàn bị tụt giảm 2m khiến gần 800ha đất lúa trên địa bàn 3 xã Duy Thu, Duy Phú, Duy Tân thuộc huyện Duy Xuyên phải gieo sạ chậm hơn nửa tháng so với các nơi khác. Không chỉ vậy, vì lượng nước của hồ chứa này quá ít nên ngay từ khi cây mạ mới mọc cho đến thời điểm gần cuối vụ ngành thủy lợi tỉnh và các cơ quan có trách nhiệm ở Duy Xuyên phải lắp đặt nhiều máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước chống hạn cho số diện tích lúa nêu trên.
Ông Nguyễn Phước Năm – Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Duy Xuyên cho biết, từ giữa tháng 10 dương lịch đến nay nhờ lượng mưa bổ sung tương đối nhiều nên hiện giờ hồ chứa Thạch Bàn đã trữ đủ nước theo dung tích thiết kế. Vì thế, đông xuân 2014-2015 chắc chắn không xảy ra tình trạng thiếu nước tưới đối với gần 800ha lúa ở các xã Duy Thu, Duy Phú, Duy Tân như vụ hè thu vừa qua. Ông Năm nói: “Ngoài hồ Thạch Bàn thì bây giờ 2 hồ chứa lớn khác của huyện Duy Xuyên là Vĩnh Trinh và Phú Lộc cũng đã tích đầy nước. Do đó, vụ này 1.015ha lúa nằm trong khu tưới của 2 hồ ấy cũng sẽ không lo bị khô hạn hoành hành”.
Ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, qua kiểm tra thì hiện nay tất cả 73 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản tích đủ nước, đảm bảo phục vụ tưới cho 43 nghìn héc ta lúa và hàng chục nghìn héc ta cây trồng cạn, rau đậu các loại trong suốt vụ đông xuân. Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ tháng 1 đến tháng 4.2015 dòng chảy các con sông sẽ hạ thấp dần và nền nhiệt độ sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm. Vì vậy, để dự trữ nguồn nước cho vụ hè thu 2015 thì ngay từ đầu vụ đông xuân này phải thực hiện triệt để các biện pháp tưới tiết kiệm. Ông Điềm nói: “Ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần nhanh chóng củng cố, kiện toàn đội ngũ thủy nông viên, tăng cường công tác quản lý điều hành, phân phối nước thông qua hoạt động của các tổ chức sử dụng nước ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh khâu tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng hiệu quả chế độ tưới nước tiết kiệm theo phương pháp ướt – khô xen kẽ”.
Cơ giới hóa đồng ruộng
Ông Trần Tình ở thôn Tích Phú (Đại Hiệp, Đại Lộc) có 10 sào đất sản xuất lúa và chuyên canh cây trồng cạn. Hàng chục năm nay, ông Tình chủ yếu dựa vào sức kéo của trâu để cày và lồng số diện tích ấy. Nghe thông tin UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, cách đây 3 tháng ông Tình làm hồ sơ đăng ký mua một chiếc máy cày 4 bánh với số tiền 115 triệu đồng và được chính quyền địa phương xét hỗ trợ gần 25 triệu đồng. Ông Tình chia sẻ: “Có chiếc máy cày loại lớn ấy, vụ đông xuân này việc làm đất của gia đình tôi diễn ra rất nhanh. Không chỉ vậy, từ đầu tháng 12 đến nay tôi còn nhận khoán cày và lồng 150 sào ruộng của nhiều hộ dân trong vùng. Tôi nhẩm tính, sau khi trừ chi phí mua nhiên liệu thì sẽ kiếm được 7 - 8 triệu đồng từ dịch vụ đó”. Ông Nguyễn Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, mỗi vụ nông dân địa phương gieo sạ 340ha đất lúa. Ba năm trở lại đây, được sự tiếp sức từ phía Nhà nước nên người dân đã mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa đồng ruộng. Ông Đông nói: “Tính đến cuối năm 2014 này toàn xã đã có 9 máy gặt đập liên hợp, 32 máy cày 4 bánh. Nhờ vậy, thời gian làm đất và thu hoạch đã được rút ngắn 10 - 15 ngày so với trước”.
Tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2014, ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện Quyết định số 33 của UBND tỉnh, năm nay những đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân và các hợp tác xã, tổ hợp tác mua thêm 365 máy nông nghiệp các loại, tăng 82 máy so với năm 2013. Trong đó, có 114 máy gặt đập liên hợp, 154 máy cày 4 bánh, 3 máy sấy nông sản và 94 máy làm đất loại nhỏ. Ông Đức nói: “Qua thống kê thì hiện nay số máy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh là 4.139 chiếc, tăng 810 chiếc so với lúc chưa triển khai Cơ chế số 33. Nhờ vậy, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đã tăng lên gần 85% và khâu thu hoạch hơn 90%. Có thể khẳng định, cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đem lại hiệu quả rất thiết thực”. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới UBND tỉnh cần ưu tiên nguồn vốn cho việc thực hiện chính sách này nhằm giúp các hợp tác xã và nông dân có điều kiện cơ giới hóa đồng ruộng. Bởi, ngoài việc giải phóng sức lao động, giảm giá thành sản phẩm thì nhờ cơ giới hóa đồng loạt đã giải quyết kịp thời khâu làm đất, đảm bảo gieo trồng đúng khung thời vụ. Đặc biệt, công tác thu hoạch lúa cũng nhanh gọn, tránh được thất thoát, hư hại do thiên tai…
NGUYỄN SỰ