Nuôi bò theo nhóm hộ

NHẬT MINH 26/12/2014 09:15

Mô hình nuôi bò nhóm hộ do Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 (Quân khu 5) triển khai thí điểm tại 3 huyện Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân ở vùng núi, vùng biên.

Đứng chân trên địa bàn Quảng Nam với nhiệm vụ xây dựng thành công khu kinh tế - quốc phòng Tây Giang, Nam Giang, nhiều năm qua Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế đạt được hiệu quả khả quan. Nổi bật là mô hình nuôi bò theo nhóm hộ đã và đang tác động tích cực đến nhận thức làm kinh tế của người dân địa phương. Mô hình này được triển khai từ năm 2013 tại 3 huyện Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn. Cùng với việc tìm hiểu phong tục tập quán người dân bản địa, cán bộ kỹ thuật Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền mục đích của mô hình, vận động các hộ trên tinh thần tự nguyện tham gia. “Mình thực hiện như kế hoạch của cán bộ hướng dẫn. Ban đầu thì hơi khó nhưng bây giờ được một năm rồi. Nhóm mình có 7 hộ tham gia, nay đàn bò đã phát triển lên rồi, được hơn 20 con, vừa đẻ thêm 3 con nữa” - ông Ploong Vinh (thôn Pa Lan, xã La Êê, huyện Nam Giang) cho biết.

Để tạo điều kiện đi lại và chăm sóc bò được tốt, cán bộ kỹ thuật Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 thường sắp xếp các hộ ở gần nhau, cùng thôn, cùng xóm vào một nhóm. Mỗi nhóm hộ có khoảng 15 - 20 người cùng quản lý 10 con bò giống được đơn vị cấp phát. Mỗi nhóm sẽ chọn một người có uy tín làm nhóm trưởng để hướng dẫn công việc, chấm công từng hộ tham gia lao động để phân chia lợi nhuận phù hợp… Đoàn 207 cũng rà soát nguồn cỏ tự nhiên có diện tích 5 - 10ha và nguồn nước sạch để bò uống làm điểm chăn dắt cho bà con. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đầu tư xây dựng chuồng trại, thường xuyên kiểm tra, chích ngừa dịch bệnh để phòng ngừa. Đặc biệt, đầu tư cấp phát giống cỏ VA06 cho các nhóm hộ trồng (1ha ta/nhóm hộ) để tạo nguồn thức ăn cho bò vào mùa đông. Bà Bhling A Chắt (thôn A Grí, xã A Xan, huyện Tây Giang) chia sẻ: “Cán bộ nói, sau khi bò đẻ con thì sẽ chia cho các hộ tham gia chăm sóc đàn bò để phát triển kinh tế. Cán bộ không cho chăn dắt đơn lẻ, phải hợp tác cùng nhau chăn chung để xóa đói giảm nghèo. Bà con thấy vui và hưởng được nhiều lợi ích khi có bộ đội 207 lên đây ở”.

Hiện Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 đã xây dựng được 7 nhóm hộ nuôi bò, trong đó 4 nhóm ở thôn Agrih và Kanoonh 1 (xã A Xan, huyện Tây Giang), 1 nhóm ở thôn Pa Lan (xã La Êê, Nam Giang) và 1 nhóm ở thôn 4 (xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn) với tổng số gần 60 con bò. Mô hình chăn nuôi bò theo nhóm hộ đang phát triển rất tốt. Trong hai năm qua, đàn bò của 7 nhóm hộ đều sinh sản thêm 3 - 4  con. Từ những con bò con, các hộ sẽ tiếp tục chăm sóc và phát triển thêm đàn bò để gây giống, chia đều cho mỗi gia đình tham gia chăm sóc. Trong giai đoạn chăn nuôi, đàn bò “chung” sẽ cho sức kéo cho các gia đình sử dụng trong các mùa vụ. “Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều mô hình giảm nghèo. Chúng tôi chọn mô hình nuôi bò nhóm hộ bền vững vì phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở vùng sâu vùng xa, góp phần tạo tính gắn kết cộng đồng và có tính bền vững cao. Trên thực tế qua một năm thực hiện tại các xã A Xan, La Êê, Phước Mỹ, kết quả đạt được rất khả quan. Đàn bò của các nhóm hộ tăng trưởng lên khoảng 15%” - Đại tá Trần Văn An, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207 cho biết.

NHẬT MINH

NHẬT MINH