Chỗ dựa cho nông dân
Những năm qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, mở rộng các loại hình dịch vụ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho nông dân trên hành trình phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới…
Nông dân xã Duy Thành (Duy Xuyên) tích cực dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu. Ảnh: H.N |
Những dịch vụ hữu ích
HTX nông nghiệp Duy Thành (Duy Xuyên) ra đời năm 1978. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đơn vị này dần khẳng định vị thế trong nền kinh tế tập thể của tỉnh và thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc của nông dân. Ông Hồ Điền - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Duy Thành cho biết, xác định việc thực hiện tổng hợp các khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp chính là sự tồn tại và phát triển của đơn vị, trong quá trình hoạt động, HTX không ngừng hoàn thiện đồng bộ các khâu làm đất, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi, thu hoạch, nước sinh hoạt… Hiện nay, HTX nông nghiệp Duy Thành đã mở 2 quầy cung cấp phân bón tại kho của đơn vị và nhà ông Lê Trung Bê ở thôn An Lạc. Mỗi khi bước vào vụ sản xuất mới, HTX chuẩn bị sẵn sàng 50-60 tấn phân các loại đảm bảo chất lượng, kịp thời cung ứng cho bà con nông dân và xã viên, giá cả luôn thấp hơn giá thị trường. Bên cạnh đó, HTX còn thành lập tổ sản xuất vôi bột, bình quân mỗi năm cung ứng cho người dân địa phương 120 - 150 tấn, đối với khâu này, HTX bỏ tiền ra thu mua nguyên liệu rồi tiến hành nung và cấp cho các xã viên theo định mức 20kg vôi/sào, đến cuối kỳ thu hoạch xã viên thanh toán một lần.
Ông Hồ Điền cho biết, HTX nông nghiệp Duy Thành đang quản lý 335ha đất lúa. Thời gian qua, đơn vị triển khai thực hiện công tác dồn điền đổi thửa được 140ha, từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Hiện nay, ngoài 4 máy cày loại lớn của HTX, chúng tôi còn liên kết sử dụng 31 máy cày khác của xã viên thực hiện gói dịch vụ làm đất. Theo đó, đơn vị quản lý toàn bộ số máy cày căn cứ diện tích của từng đội sản xuất chúng tôi làm hợp đồng giao khoán cho từng thành viên đảm nhận cày lồng cả năm. HTX thu của hộ dân mỗi sào 140 nghìn đồng/vụ, sau khi trừ phí quản lý 6%, số tiền còn lại chi trả cho chủ xe. Từ năm 2011, HTX mua 2 máy gặt đập liên hợp và liên kết sử dụng 12 máy của nông dân với hình thức tương tự. Ông Điền cho biết thêm, ngoài nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, HTX cũng đã chi 50 triệu đồng để lắp đặt nhiều ống bi dẫn nước tưới, góp phần hạn chế tình trạng khô hạn cho diện tích sản xuất lúa, nhất là trong vụ hè thu…
Nhờ HTX hỗ trợ nhiều mặt, nhất là công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chọn giống, điều hành tưới, phòng trừ dịch hại tổng hợp nên thời gian qua nông dân Duy Thành rất phấn khởi vì liên tục được mùa. Năm 2014 năng suất lúa bình quân trên toàn xã đạt 67,5 tạ/ha, tăng 15 tạ/ha so với năm 2009...
Trợ sức cho người chăn nuôi
Xã Điện Quang (Điện Bàn) là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi bò mạnh nhất tỉnh. Để có được thành quả như hôm nay, Điện Quang đã trải qua thời gian dài thay đổi nhận thức cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm HTX dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Quang cho biết, thời điểm năm 2008 trở về trước, phần lớn người dân ở đây đều nuôi theo hình thức thả rông, cách chăm sóc không khoa học, lại ít chú trọng khâu tiêm phòng và phun tiêu độc, khử trùng nên các loại dịch bệnh nguy hiểm liên tục xảy ra khiến người chăn nuôi bị thiệt hại lớn.
Trước tình trạng đó, tháng 9.2009 HTX phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức chăn nuôi bò từ thả rông sang nhốt chuồng. Đồng thời HTX triển khai dịch vụ thú y trọn gói và bảo hiểm vật nuôi. Ông Thành nói: “Theo hợp đồng ký kết, mỗi năm người chăn nuôi nộp cho HTX 350 nghìn đồng/con bò nái và 450 nghìn đồng/con bò đực, trong trường hợp tham gia bảo hiểm với số lượng từ 3 con bò trở lên thì HTX sẽ giảm mức phí cho người dân 10 - 20%. Còn trách nhiệm của HTX là cắt cử đội ngũ thú y theo dõi chặt chẽ những con bò nằm trong diện bảo hiểm, đảm nhận khâu tiêm vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng định kỳ mỗi năm 2 đợt theo đúng kế hoạch do UBND tỉnh ban hành. Bên cạnh đó, lực lượng thú y của đơn vị cũng tổ chức vệ sinh môi trường và phun hóa chất sát trùng chuồng trại thường xuyên. Theo cam kết, nếu không may con bò được bảo hiểm bị nhiễm bệnh chết, HTX sẽ hỗ trợ người chăn nuôi 80% giá trị theo thị trường tại thời điểm xảy ra rủi ro”. Cũng theo ông Thành, ngoài những điều khoản trên, HTX cũng liên tục mở các khóa tập huấn nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng cỏ nguyên liệu, xây dựng chuồng trại và quy trình chăm sóc bò cho nhân dân.
Ông Lê Văn Yên ở thôn Xuân Đài cho biết, từ năm 2009 đến nay bình quân mỗi năm ông nuôi 5 con bò đực lai và gia đình ông là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia gói dịch vụ bảo hiểm vật nuôi của HTX Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Quang. Nhờ được đội ngũ thú y của HTX hướng dẫn cặn kẽ cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cũng như phun tiêu độc chuồng trại thường xuyên nên 6 năm qua đàn bò của tôi phát triển rất tốt và luôn an toàn trước những loại dịch bệnh nguy hiểm. Bình quân mỗi năm ông lãi ròng ít nhất 50 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi bò thâm canh.
Hiện nay trên địa bàn 11 thôn của xã Điện Quang có tổng cộng 1.100 hộ chăn nuôi bò với số lượng khoảng 2.900 - 3.100 con, chủ yếu là bò đực lai nuôi thịt. Hằng năm, lĩnh vực này cho giá trị thu nhập không dưới 60 tỷ đồng, tương đương với ngành trồng trọt. Do thấy được lợi ích của việc mua bảo hiểm cho bò nên từ 300 hộ tham gia ban đầu, đến nay mô hình này đã thu hút hơn 900 hộ tham gia với tổng số bò được mua bảo hiểm 2.104 con.
HOÀI NHI