Tạo đà phát triển kinh tế hợp tác
Nhiều mô hình kinh tế hợp tác mới ra đời tại huyện Hiệp Đức bước đầu cho hiệu quả thiết thực, tạo đà cho các hợp tác xã (HTX) cũ thay đổi phương thức sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
HTX Sản xuất nấm Nhì Tây (xã Bình Lâm) là một điển hình của mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới tại huyện Hiệp Đức. Sau gần 5 năm gây dựng và phát triển cơ sở sản xuất nấm, năm 2014 vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Thủy đã quyết định chuyển đổi sản xuất và thành lập HTX để tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện HTX có 9 xã viên góp vốn điều lệ là 540 triệu đồng. HTX đang sản xuất và cung ứng ra thị trường 3 loại nấm là nấm sò, nấm linh chi và nấm mèo. Chị Nguyễn Thị Minh Thủy cho biết, mỗi năm cơ sở sản xuất được khoảng 15 tấn nấm sò, hơn 1 tấn nấm mèo khô và 500kg nấm linh chi. HTX cũng tự sản xuất và bán phôi nấm, nguồn nguyên liệu chủ yếu là bột gỗ cao su có sẵn tại địa phương nên chi phí đầu tư được giảm khá nhiều. “Thành lập HTX, chúng tôi tranh thủ được nguồn vốn của các xã viên để tiếp tục mở rộng sản xuất, từ đó số lượng sản phẩm nấm được tăng lên nhanh chóng. Chúng tôi cũng nhận bao tiêu đầu ra để người dân yên tâm làm nấm. Bên cạnh đó HTX còn tranh thủ được sự hỗ trợ một phần chi phí mua nồi hấp nấu từ huyện Hiệp Đức” - chị Thủy nói. Còn xã viên Lê Văn Bộ tâm sự, HTX vừa thành lập là anh xin gia nhập ngay, hiện mỗi tháng anh thu nhập 4 - 5 triệu đồng. Với sản phẩm được tiêu thụ ổn định như hiện nay, dự định của HTX là tìm địa điểm thích hợp, thuê đất để mở rộng và sản xuất tập trung, tạo ra thương hiệu cho sản phẩm.
Sản xuất nấm tại HTX Sản xuất nấm Nhì Tây (xã Bình Lâm). Ảnh: D.THÁI |
Với HTX Sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp Quế Thọ, để vượt qua khó khăn và trụ vững sau nhiều năm hoạt động, đơn vị đã đa dạng và quản lý hiệu quả các ngành nghề như mây tre đan, xây dựng thương hiệu rượu cần, chế biến chè trà và vừa đưa vào hoạt động lò sấy sắn, nông sản. Hiện nay HTX vẫn thu hút và tạo việc làm cho 29 lao động, trong đó có 4 lao động trình độ cao đẳng, trung cấp. Bà Huỳnh Thị Quý - Chủ nhiệm HTX cho biết, để duy trì kinh tế hợp tác, chúng tôi chú trọng cải tiến sản phẩm, linh hoạt cho xã viên tập trung lại nếu nhiều đơn đặt hàng, còn hàng ít sẽ được các xã viên nhận nguyên liệu và làm tại nhà để giảm chi phí. “Sắp tới HTX sẽ tiến hành đại hội để xây dựng HTX kiểu mới, củng cố và hướng đến xây dựng mẫu mã sản phẩm, từng bước hình thành điểm dừng chân gắn với phát triển du lịch tại địa phương nhằm phát huy thế mạnh mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tăng thêm thu nhập cho chị em” - bà Quý chia sẻ.
Đến nay trên địa bàn huyện Hiệp Đức có 4 HTX và 4 tổ hợp tác (THT), những mô hình kinh tế mới thành lập như THT cao su Sông Trà, THT Thanh niên Bình Tiên, THT sản xuất đá Quế Bình… đều được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn về phương thức hoạt động từ Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Nam, Liên minh HTX Quảng Nam để vươn lên phát triển. Ông Trần Thọ, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức cho biết, thời gian qua địa phương đã cố gắng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong việc phát triển kinh tế hợp tác như thu hút, sử dụng nguồn lao động chất lượng, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí để xây dựng các HTX, THT kiểu mới. Vận động và đưa các cơ sở tham gia hội chợ để quảng bá sản phẩm, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý theo phương thức sản xuất khoa học. “Theo đánh giá thì hầu hết HTX vẫn hoạt động cầm chừng, do vậy thời gian gần đây, huyện Hiệp Đức nỗ lực cải tiến các HTX, khuyến khích phát triển thêm các mô hình kinh tế hợp tác mang tính bền vững, phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 100% HTX thuộc diện khá, 50% cán bộ quản lý có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng suất cạnh tranh của kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện” - ông Thọ nói.
DUY THÁI