Điện Bàn: Phát triển chăn nuôi bò thâm canh

HOÀNG LIÊN 16/10/2014 11:25

Những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Điện Bàn đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, tăng giá trị tổng đàn, bước đầu đem lại hiệu quả.

Đàn bò không ngừng được cải thiện về chất lượng.Ảnh: H.LIÊN
Đàn bò không ngừng được cải thiện về chất lượng.Ảnh: H.LIÊN

Nhờ đẩy mạnh việc lai tạo, phối giống giữa giống bò địa phương với giống bò chuyên thịt, siêu thịt, giống bò nhập ngoại nên đến thời điểm này, tỷ lệ đàn bò lai của huyện đã chiếm gần 74% tổng đàn. Chương trình không chỉ cải tạo, nâng cao chất lượng mà còn góp phần cải thiện tầm vóc đàn bò địa phương, giúp người dân tăng giá trị thu nhập từ chăn nuôi. Ngoài chú trọng cải tạo về giống bò, Trạm Khuyến nông huyện còn đưa nhiều giống cỏ mới vào địa phương như TD58 (cỏ sả lá lớn), K280 (cỏ sả lá nhỏ) giống cỏ Ruzi, cỏ VA06, TD58, Hamill… phục vụ chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Đây là những giống cỏ cao sản, chất lượng tốt nhất hiện nay, phục vụ cho việc trồng, chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho gia súc mùa lũ. Trong năm 2014, mô hình trồng cỏ cao sản làm thức ăn cho bò đã được Trạm Khuyến nông triển khai tại 10 xã trên địa bàn huyện, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. 100% hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống cỏ, được tập huấn kỹ thuật ươm giống, trồng cỏ trên diện tích đất vườn nhà, đất vườn đồi. Ông Phạm Thành Chung - Trưởng trạm Khuyến nông cho hay: “Trồng cỏ giúp chủ động thức ăn xanh quanh năm cho bò, kể cả vào những tháng khô hạn nhất, khi nguồn cỏ tự nhiên cạn kiệt. Đây là điều kiện tiên quyết chuyển từ chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi mang tính sản xuất hàng hóa, áp dụng kỹ thuật cao”.

Bước chuyển biến trong ngành chăn nuôi Điện Bàn còn thể hiện ở sự xuất hiện của nhiều mô hình chế biến thực phẩm làm thức ăn cho bò, ủ chua cỏ tươi giúp chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi trong mùa lũ. Đến nay, số đông người dân đã nắm được kỹ thuật, cách thức phối trộn thức ăn cho bò từ nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp và những nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giúp hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, giảm giá thành chăn nuôi. Không chỉ chủ động chế biến, phối trộn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, người dân còn được tập huấn kỹ thuật ủ chua cỏ nhằm dự trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi trong mùa lũ. Ông Phan Tín - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Điện Quang chia sẻ: “Cả xã Điện Quang có 70 - 80% hộ chăn nuôi bò với quy mô 3.000 con bò. Từ mô hình ban đầu, hợp tác xã đã triển khai nhiều lớp tập huấn kỹ thuật ủ cỏ chua cho bà con. Đến nay, từ 1 hộ tham gia ban đầu, mô hình đã được nhiều hộ tham gia. Bà con có thể làm theo cách thức ủ cỏ để dự trữ trong vòng cả tháng trong bể yếm khí, hoặc có thể ủ chua trong bao nilon tạo môi trường yếm khí sử dụng trong vài ngày hoặc cả tuần”… Đặc biệt, xã Điện Phong còn hỗ trợ mỗi hộ 500 nghìn đồng để xây dựng bể ủ cỏ. Tại xã Điện Quang, nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, ủ chua cỏ đã được địa phương chú trọng. Từ thành công bước đầu đó, các xã Gò Nổi đã đón nhiều đoàn tham quan, học tập mô hình chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc trong và ngoài tỉnh.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN