Nhớ mùa mía đường Đại Bình

HOÀNG LIÊN 09/10/2014 11:52

Làng Đại Bình (Nông Sơn) không chỉ được biết đến với những miệt vườn, nơi đây còn là xứ sở của những vùng mía bạt ngàn.

Nghề trồng mía và nấu đường bát tồn tại ở làng quê Đại Bình ngót nghét ba chục năm. Mía đường đã góp phần nuôi lớn bao người con Đại Bình, để rồi mỗi khi xa quê, nỗi nhớ mùi mía đường, nhớ vị ngọt đậm của những bát đường quê mộc mạc cứ giăng mắc. Ngày trước, Đại Bình có tới 80% số nhà trồng mía, ít thì vài sào, nhiều thì lên tới cả mẫu. Mùa thu hoạch mía thường vào khoảng tháng 10, 11 âm lịch. Làng quê nhỏ yên bình bỗng trở nên rộn ràng như ngày mùa với cảnh phát mía, gom mía về chòi đạp mía, lò nấu đường để ép lấy nước đường, nấu keo thành đường non, đổ vào khuôn đông tạo đường bát. Những nhà có chòi mía, lò nấu đường ngày mùa phải thức 2-3 giờ sáng để chụm che, nấu, đổ đường vào khuôn… tất cả công đoạn chế biến đều thủ công. Theo lệ, người nấu thuê ngoài trả công cho chủ lò thường để lại 2 cặp đường bát để “lấy phước”. Thường thì thương lái tới tận chòi thu mua để kịp chuyển xuống những ghe thuyền đợi sẵn ngoài bến sông về xuôi. Cũng vì vậy, ngày mùa, bến sông Thu Bồn vùng Đại Bình có phần tấp nập hơn mọi khi.

Đường bát được thu mua theo bầu, mỗi bầu đường có tổng cộng 30 cặp, tức 60 bát (táng). Với giá thị trường hiện nay, mỗi bầu đường có giá trị 550.000 - 600.000 đồng. Mùa nấu đường, nếu khách có dịp tới Đại Bình sẽ được tận hưởng món đường non, ăn nghe ngọt thanh, quyện và tan chảy nơi đầu lưỡi. Có thể rắc lên món đường này đậu phụng, mè đã rang sẵn để tạo vị béo, bùi, thơm đặc trưng hoặc món bánh tráng nhúng đường non… ăn vào nghe ngọt thanh, giòn giòn. Thời trước, thói quen dùng đường bát để làm bánh, kẹo và những thực phẩm dịp tết hoặc nấu chè, xôi… khá phổ biến, lại an toàn, trở thành những món không thể thiếu của người bình dân. Vì thế, đường bát cũng được các mẹ, các chị gánh ra bán tại chợ Trung Phước và một số chợ nhỏ vùng Nông Sơn.

Đại Bình nay vẫn còn duy trì nghề trồng mía, làm đường bát, song chỉ được xem là nghề nông nhàn, bên cạnh nhiều loại cây trồng khác. Nhiều chòi mía đã bị tháo dỡ, bán hết đồ đạc, chỉ còn sót lại duy nhất chòi mía của gia đình ông Trần Văn A. Anh Trần Văn Hào, người dân Đại Bình chia sẻ, cả nhà làm 2,5 sào mía, mùa trúng được khoảng 10 bầu đường, với giá bán 550.000 - 600.000 đồng/bầu, trừ chi phí, chỉ còn khoảng 3 - 4 triệu đồng. “Nhiều hộ không trụ được với nghề vì nguồn thu đem lại quá thấp. Song vì chưa thể chuyển đổi cây trồng phù hợp nên vẫn còn chục hộ duy trì. Dù sao, cây mía và nghề làm đường cũng là một phần nguồn sống của dân làng suốt mấy chục năm qua” - anh Hào tâm sự. Trong khi đó, ông Trần Văn C. cho biết: “Gia đình tôi trồng mía từ năm 1999 tới nay, đây là nghề cực nhọc, nguồn lợi nhỏ. Song vẫn cố gắng duy trì kiếm thêm chút thu nhập vào cuối năm để có tiền sắm sửa cho con bộ quần áo tết hay một số vật dụng trong nhà”…

Đại Bình vẫn còn đó những bãi mía lao xao trong gió đang chuẩn bị vào mùa. Những ghe thuyền sẽ xuôi dòng sông Thu đem sản vật đường bát Đại Bình xuôi về các ngả Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An tiêu thụ. Tuy sản lượng không nhiều như trước, song vị đậm đà của sản phẩm đường bát nơi thượng nguồn sông Thu vẫn nguyên vẹn.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN