Đại Lộc trước nguy cơ hạn hán
Đó là kết luận do nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nông lâm Huế đưa ra tại hội thảo về nghiên cứu mô phỏng ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đại Lộc.
ThS. Trần Thị Phượng, Đại học Nông lâm Huế, chủ nhiệm đề tài “Mô phỏng ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc. Trường hợp nghiên cứu cho cây lúa” cho hay, Đại Lộc là một trong những huyện được đánh giá bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ viễn thám phân tích biến động diện tích đất trồng lúa và chỉ số khác biệt thực vật của cây lúa qua các thời kỳ. Đồng thời ứng dụng công nghệ GIS xây dựng bản đồ phân mức hạn hán ở các xứ đồng trên địa bàn huyện, bản đồ nguồn nước tưới, bản đồ thổ nhưỡng đất trồng lúa và bản đồ dự báo hạn hán trong tương lai. Để mô phỏng lượng mưa và nhiệt độ trung bình tháng đến năm 2050, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phần mềm SimCLIM 2013 và phương pháp downscaling để thống kê 3 kịch bản phát thải từ thấp, trung bình và cao. “Qua phân tích ở 3 kịch bản phát thải từ thấp, trung bình đến cao, nhìn chung, lượng mưa ở các tháng 6, 8, 9, 11 có xu hướng tăng và các tháng 3, 5, 12, 2 lại có xu hướng giảm ở cả 3 kịch bản. Điều đó chứng tỏ, trong tương lai Đại Lộc có thể xuất hiện hạn hán từ vụ đông xuân từ tháng 12 tới tháng 3 năm sau, không chỉ hè thu” - ThS. Trần Thị Phượng nói. Theo nhóm nghiên cứu, khô hạn tại Đại Lộc không diễn biến liên tục mà thất thường, đặc biệt tình trạng hạn nặng chỉ xuất hiện trong vòng 15 năm trở lại đây. Trong đó, vào tháng 7, hiện tượng hạn cho tới hạn nặng xuất hiện khá nhiều từ năm 1978 tới 2013. Các tác giả cũng đã xây dựng được bản đồ phân vùng mức hạn cho toàn bộ diện tích ở Đại Lộc. Theo đó, các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Đồng và Đại Sơn là những xã có diện tích bị hạn nặng trong tương lai; trong khi Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Hiệp, Đại Cường, Đại An, Đại Hòa và thị trấn Ái Nghĩa sẽ chịu mức hạn trung bình và nhóm xã còn lại là mức hạn thấp. Mức hạn nghiêm trọng thường xảy ra đối với những diện tích lúa cách chân núi 100m hoặc nằm ở vị trí địa hình cao, cách hệ thống sông chính khoảng cách lớn hơn 200m. Tại những diện tích đồng ruộng có thành phần cơ giới là đất cát hoặc cát pha, đất xói mòn trơ sỏi đá, mức độ hạn cũng rất lớn. Dự đoán, trong tương lai, sẽ có 648,86ha đất lúa đối diện với nguy cơ hạn vừa và 11,69ha đối diện với nguy cơ hạn nặng. Trên toàn huyện, diện tích lúa vụ hè thu giảm đi vì nhiều mục đích chiếm 2.266ha. Nhiều địa phương phải chuyển đổi diện tích do ảnh hưởng bởi khô hạn là thực tế hiển hiện, trong đó Đại Hồng, Đại Hưng và Đại Lãnh có diện tích chuyển đổi lớn nhất. Nhiều cánh đồng năng suất giảm đáng kể, có nơi giảm tới 30% hoặc nhiều xứ đồng không thể canh tác được vì thiếu nước nghiêm trọng vụ hè thu và tình trạng không có mưa kéo dài. ThS. Trần Thị Phượng khẳng định: “Trong tương lai, nếu lượng mưa giảm đi 10% thì năng suất lúa của huyện vụ hè thu giảm khoảng 1,1%, tức 0,6 tạ/ha. Nếu toàn huyện có diện tích 8.700 ha được sản xuất vụ hè thu, sẽ mất đi 520 tấn lúa/vụ do hạn hán, khi lượng mưa giảm mạnh 20% thì năng suất toàn huyện sẽ giảm đi 3,6% so với trước”.
Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhận định, những thông tin từ nhóm nghiên cứu là rất hữu ích đối với ngành nông nghiệp trong việc tập trung chỉ đạo sản xuất, xây dựng lịch thời vụ, triển khai các bộ giống ngắn ngày chịu hạn thích hợp tại những “điểm nóng” hạn hán dựa trên bản đồ phân vùng hạn.
TRIÊU NHAN