Hướng đến chăn nuôi bền vững

NGUYỄN SỰ 31/08/2014 10:16

Những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng thực tế cho thấy do dịch bệnh thường xuyên bùng phát, chi phí đầu tư lớn, giá bán sản phẩm không ổn định nên lĩnh vực này phát triển thiếu bền vững. Thời gian tới, muốn tạo ra bước đột phá thì đòi hỏi phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp…

Hiệu quả nhưng nhiều rủi ro  

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn, nhờ hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây bò lai đã trở thành lựa chọn số 1 trong phát triển chăn nuôi ở địa phương. Thời gian qua, ngoài nguồn vốn tự có, nông dân trên địa bàn huyện đã vay thêm 15 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hàng loạt mô hình nuôi bò đàn. Tính đến cuối tháng 8.2014 tổng đàn bò của Điện Bàn đạt 15.980 con, trong đó bò lai chiếm tỷ lệ 74%. Hiện nay toàn huyện đã hình thành được 14 trang trại và hơn 1 nghìn gia trại chăn nuôi bò lai. Bình quân mỗi mô hình trang trại thả nuôi 20 - 35 con, còn gia trại 4 - 15 con. “Theo nhiều nông dân, bây giờ chỉ cần nuôi 4 con bò nái lai là mỗi năm họ đã thu về 60 - 70 triệu đồng từ tiền bán bò con. Còn đối với bò đực lai thì nuôi 1 con trong vòng 10 tháng sẽ kiếm được 11 triệu đồng tiền lãi” – ông Chơi nói. Ngoài Điện Bàn thì từ năm 2009 đến nay nhiều địa phương khác cũng tập trung phát triển mạnh chăn nuôi bò hàng hóa, nổi bật nhất là các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Hiệp Đức, Nông Sơn. Tính đến thời điểm này tổng đàn bò của Quảng Nam ước đạt 160 nghìn con, trong đó bò lai chiếm khoảng 40%, tăng 15% so với cách đây 5 năm.

Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh tập trung phát triển mạnh đàn bò lai.Ảnh: Nguyễn Sự
Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh tập trung phát triển mạnh đàn bò lai.Ảnh: Nguyễn Sự

Những năm qua nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi heo hướng nạc. Ông Ngô Thanh Phong (thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) cho biết, từ năm 2011 đến nay nhờ mô hình nuôi heo siêu thịt mà ông có nguồn thu nhập khá, cuộc sống gia đình ngày càng cải thiện. Ông Phong chia sẻ: “Mỗi năm tôi nuôi 4 lứa, mỗi lứa 50 con heo thịt. Nhờ tiêm phòng triệt để nên lứa heo nào cũng phát triển tốt và không bị dịch bệnh gây hại. Hàng năm, trừ mọi chi phí, tôi thu lãi ròng 160 triệu đồng”. Hiện nay tổng đàn heo của tỉnh khoảng 500 nghìn con, trong đó không dưới 75% thuộc diện nuôi hướng nạc. Bên cạnh 2 loại vật nuôi chủ lực vừa nêu thì 7 năm trở lại đây người dân cũng đã hình thành được hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa, chủ yếu là gà chuyên thịt, vịt siêu trứng, chim cút và bồ câu thương phẩm. Bình quân mỗi năm 1 mô hình cho thu nhập 80 - 300 triệu đồng.

Tuy đã tạo được bước chuyển biến nhưng thực tế cho thấy ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn còn gặp quá nhiều rủi ro. Năm nào dịch cúm A/H5N1, bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng… cũng tái bùng phát và gây hại trên diện rộng. Ngoài ra, do giá thức ăn, con giống đầu vào ở mức cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp và rất bấp bênh nên số tiền lãi mà người chăn nuôi thu được quá ít. Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Cũng từ những nguyên nhân đó mà nhiều năm nay lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Theo kế hoạch, đến năm 2015 chăn nuôi phải chiếm tỷ trọng 35%, thế nhưng hiện nay mới chỉ ở mức 28% và chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu đề ra”.

Giải pháp nào tạo đột phá?

Ông Lê Muộn cho rằng, muốn đưa ngành chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng hàng hóa thì yêu cầu bắt buộc là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh. Theo ông Muộn, ngoài việc tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ thì nhất thiết phải chú trọng đến công tác tiêm phòng. “Để chấm dứt tình trạng ì ạch trong khâu tiêm phòng, thời gian tới phải tập trung nhân rộng mô hình dịch vụ thú y trọn gói. Hiện nay, mô hình này đã hình thành tại một số địa phương của Điện Bàn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Bắc Trà My, Đông Giang. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất thì vẫn còn quá ít” – ông Muộn nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó phòng NN&PTNT Thăng Bình thì cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ những tổ chức, cá nhân hình thành loại hình dịch vụ thú y trọn gói thì ngay từ bây giờ các địa phương phải tập trung kiện toàn lực lượng thú y cơ sở và thường xuyên tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Đây được xem là lực lượng chủ lực trong vấn đề tiêm phòng vắc xin cũng như đối phó với dịch bệnh. Trong khi đó, theo ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, cần nhanh chóng quy hoạch những vùng chăn nuôi tập trung để xóa bỏ dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư và ngăn chặn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Để tạo được nhiều vùng chăn nuôi tập trung thì Nhà nước nên mạnh dạn giao đất, cho thuê đất dài hạn nhằm giúp các cá nhân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Đặc biệt, nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, nước sạch… tại những khu chăn nuôi tập trung này.

Nhiều ý kiến cho rằng nhằm hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế thì cần đẩy mạnh liên doanh liên kết để hình thành các cơ sở chế biến thức ăn tại chỗ. Quảng Nam có diện tích đất sản xuất bắp, sắn, khoai, đậu và những loại hoa màu khác tương đối lớn. Vì thế, nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là rất dồi dào. Do đó, cần có một cơ chế thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Một khi có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại địa phương thì nông dân sẽ mua sản phẩm với giá thấp vì doanh nghiệp ít tốn chi phí vận chuyển. Hơn nữa, có nhà máy thu mua nguyên liệu thì nhà nông sẽ có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ