Mất mùa chuối do nấm bệnh

VINH ANH 15/08/2014 10:48

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch chuối nhưng nông dân ở xã Đại Hiệp (Đại Lộc) đang đứng ngồi không yên vì bệnh lạ xuất hiện nhiều trên cây chuối.

Xã Đại Hiệp là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất huyện Đại Lộc. Người dân ở đây có kinh nghiệm trồng chuối hàng chục năm nay nhưng đang hoang mang bởi loại bệnh lạ khiến cho nhiều vườn chuối sắp thu hoạch bị héo rũ, phải chặt bỏ hàng loạt. Vụ chuối năm nay, anh Nguyễn Hữu Thọ (thôn Phú Đông, xã Đại Hiệp) trồng trên 1ha chuối lùn với gần 1.000 buồng chuối sắp đến kỳ thu hoạch. Cách đây hơn một tháng, vườn chuối của anh còn xanh tốt, sau đó một vài bụi chuối bỗng dưng trở màu vàng, héo lá, thối thân và lây lan cả vườn. Để ngăn chặn bệnh lây lan, những ngày qua anh Thọ phải chặt bỏ hơn 50% diện tích chuối. Trên đám chuối mới chặt bỏ, hàng trăm buồng chuối dài nằm la liệt. “Dù tiếc nhưng để lại cũng không làm gì, nhìn bên ngoài có vẻ còn hy vọng nhưng trong thân chuối đã thối hết, để lại cũng chỉ làm nó lây lan thêm thôi” – anh Thọ nói.

Chuối  buồng sắp đến kỳ thu hoạch nhưng cũng phải chặt bỏ.                                  Ảnh: VINH ANH
Chuối buồng sắp đến kỳ thu hoạch nhưng cũng phải chặt bỏ. Ảnh: VINH ANH

Có kinh nghiệm trồng chuối hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ anh Thọ và những nông dân ở đây gặp phải loại bệnh lạ nào trên cây chuối như vậy. Anh Thọ cho biết, bệnh lây lan rất nhanh, dấu hiệu nhận biết cũng rất dễ, ban đầu lá chuối bị vàng, héo rũ, thời gian sau thân cây gãy, đỗ. Khi đào gốc chuối bị bệnh lên thì có mùi thối khó chịu. Đặc biệt, bệnh chỉ xuất hiện nhiều lúc cây chuối trổ buồng. Khi bứng cây con từ gốc chuối bị bệnh đem trồng chỗ khác, đến một thời gian thì cây đó cũng bị nhiễm bệnh. Vườn chuối của anh Thọ được trồng lại khoảng một nửa diện tích sau mùa bão lụt năm 2013, đến nay đã 7 tháng chăm sóc, dự kiến tháng 9 âm lịch sẽ thu hoạch.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Đại Hiệp, đến nay diện tích chuối bị nhiễm bệnh khoảng 100ha; người dân chặt bỏ trên 40ha chuối bị bệnh, tập trung chủ yếu ở 3 thôn Phú Mỹ, Phú Đông và Phú Trung. Theo ông Nguyễn Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, diện tích trồng chuối của xã Đại Hiệp nằm ven sông Yên thuộc các thôn Phú Mỹ, Phú Đông, Phú Trung, Phú Quý và Phú Hải. Chuối là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên, việc hàng trăm héc ta chuối bị nhiễm bệnh khiến cho người dân rất hoang mang. Ông Đông cho biết: “Ngay khi phát hiện bệnh, xã thông báo cho cán bộ Phòng NN&PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện xuống kiểm tra và hướng dẫn cách xử lý cho nhân dân. Trước mắt xã cùng với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tập huấn và thông báo bệnh cho nhân dân, đồng thời vận động nhân dân chặt bỏ những gốc chuối bị bệnh để tránh lây lan trên diện rộng. Phương án lâu dài có thể vận động nhân dân tạm thời chuyển đổi cây trồng trong vòng 1 - 2 năm để cải tạo đất, sau đó tiếp tục chuyên canh cây chuối. Tuy nhiên, số lượng chuối bị nhiễm bệnh dự báo còn tăng, nhiều hộ dân có nguy cơ mất trắng, do đó cũng mong muốn cấp trên quan tâm và có phương án hỗ trợ cho người dân”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Văn Thanh – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đại Lộc cho biết, qua kiểm tra trên cánh đồng chuối của xã Đại Hiệp, xác định đây là bệnh héo rũ Panama do nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cubense gây ra. Loại bệnh này không mới, nó xuất phát những năm trước từ Nam Mỹ. Cách đây không lâu tại Phú Yên hàng trăm héc ta chuối cũng đã bị nhiễm bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu là thời tiết khô hạn trên diện rộng trong thời gian qua. Theo ông Thanh, phương án trước mắt là nhân dân nên sớm chặt bỏ, tiêu hủy hoàn toàn (cả cây mẹ lẫn cây con) những vườn chuối đã bị bệnh trước mùa mưa. Đồng thời những khu vực ruộng thấp, nhân dân nên chuyển qua trồng cây lúa 1 – 2 vụ, những khu vực ruộng cao có thể trồng đậu, bắp… để cải tạo ruộng.

VINH ANH

VINH ANH