Phát triển nền nông nghiệp đô thị TP.Tam Kỳ: Kết quả chưa như mong đợi

XUÂN PHÚ 07/07/2014 10:24

Đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-đô thị giai đoạn 2007-2015 của TP.Tam Kỳ đã tác động tích cực đến hiệu quả nền nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Tuy nhiên, việc triển khai lại chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Kết quả bước đầu

Định hướng mà đề án đưa ra là phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị, tăng cường áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới đặc biệt là công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung có chất lượng cao. Quy hoạch, phát triển vùng, đa dạng hóa chủng loại nuôi, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Song song với đó là việc hoàn thiện quy trình tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Sau 6 năm thực hiện, có thể nói nền nông nghiệp của TP.Tam Kỳ đã có được diện mạo mới. Như, hoàn thành quy hoạch phát triển các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng; hình thành hơn 30 mô hình kinh tế và chuyển giao khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân hưởng ứng, trong đó 12 mô hình về trồng trọt, 8 mô hình chăn nuôi, 7 mô hình nuôi trồng thủy sản và 3 mô hình về ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao (400ha), trồng dưa gang trái vụ ở xã Tam Phú (35ha), dưa hấu ở xã Tam Thăng (30ha), nuôi gà ta thả vườn ở Tam Thăng, Tam Ngọc, Trường Xuân; trong đó tổ hợp tác nuôi gà ta thả vườn Mười Tín đạt tiêu chuẩn Vietgap có quy mô hàng chục nghìn con. Ngoài ra, nông dân còn được chuyển giao kỹ thuật nuôi nhông, rắn mối, trồng hoa cây cảnh, bước đầu áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả tốt.

Tam Kỳ đang hình thành những vùng chuyên canh rau sạch. ảnh: Đ.Ngọc
Tam Kỳ đang hình thành những vùng chuyên canh rau sạch. ảnh: Đ.Ngọc

Trên lĩnh vực tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cũng đã có những kết quả nhất định. Chẳng hạn, mô hình trồng ớt chỉ thiên hiểm lai ở xã Tam Ngọc là hình thức liên kết 4 nhà gồm “nhà nước - nhà nông - nhà khoa học và doanh nghiệp” được triển khai từ năm 2011 với 40 hộ tham gia. Đến nay, số hộ đã tăng lên gấp đôi với diện tích canh tác 6ha và dự kiến sắp tới tăng lên 20ha. Đây là mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho người nông dân với lợi nhuận sau thu hoạch đạt 200 triệu đồng/ha. Hay tại xã Tam Thăng, Công ty C.P hợp đồng với các hộ nông dân xây dựng 3 trang trại nuôi gà số lượng 30 - 45 nghìn con với hình thức bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, hiện nay Trung tâm ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn ký hợp đồng với Công ty TNHH Tiên Tuấn về việc hỗ trợ phát triển trồng cây gấc lai và bao tiêu sản phẩm và đang được triển khai thí điểm. Cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu được thành phố quan tâm, hiện đã có 2 thương hiệu được Cục sở hữu trí tuệ cấp  giấy chứng nhận là rau sạch Trường Xuân và sản phẩm thịt và trứng gà sạch của hộ ông Nguyễn Hồng Hà (Tam Thăng).

Gắn kết “4 nhà”

Tại hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - đô thị giai đoạn 2007-2015 của HĐND thành phố mới đây, báo cáo của UBND thành phố cho rằng, dù đạt được một số kết quả nhưng so với mục tiêu đặt ra thì rõ ràng, việc phát triển nền nông nghiệp - đô thị cho đến nay chưa như mong muốn. Chẳng hạn, quy hoạch diện tích các vùng rau quả thực phẩm an toàn chỉ đạt hơn 9% so với kế hoạch. Việc sản xuất nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, thậm chí vùng rau sạch Trường Xuân đã được siêu thị Co.opmart Tam Kỳ thỏa thuận ký hợp đồng tiêu thụ nhưng không được đưa vào tiêu thụ thường xuyên do việc cung cấp rau không đảm bảo. Trồng hoa, cây cảnh chậm phát triển, chất lượng không thể cạnh tranh với hoa từ Đà Lạt về. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học chưa được nhân rộng, quy mô nhỏ. Sản xuất nông sản còn nhỏ lẻ, chưa có chợ đầu mối, chưa có doanh nghiệp chuyên kinh doanh về nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân… Những tồn tại, hạn chế trên đã gây cản trở đến quá trình phát triển một nền nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao.

Để triển khai có hiệu quả những mục tiêu của đề án trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Nam Hưng, cần tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kết  hợp với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời sẽ điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình phát triển sản xuất gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thời gian đến, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các đề tài, dự án về nông nghiệp. Về xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông hộ, tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các  mô  hình chăn nuôi đạt chuẩn Vietgap hay mô hình nuôi gà ta thuần. Thực hiện gắn kết “4 nhà” trong sản xuất, chế biến và thu mua sản phẩm; trong đó sẽ hình thành nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư tiêu thụ sản phẩm của thành phố để hỗ trợ, khuyến  khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác, cá nhân liên kết với nông dân trong sản xuất, thu mua nông sản. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ đầu mối nông sản Trường Xuân để từ đó hình thành nhiều hơn các hệ thống khép kín từ sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ