Sản xuất lúa vụ hè thu 2014: "1 phải, 5 giảm"

NGUYỄN SỰ 14/05/2014 09:25

Theo kế hoạch, ngày 20.5 Quảng Nam sẽ bắt tay vào việc gieo sạ lúa hè thu 2014. Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung vệ sinh đồng ruộng, cày phơi ải đất để vào vụ mới. Cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng sớm đưa ra những khuyến cáo cần thiết.

Nông dân tập trung phát dọn cỏ bờ.  Ảnh: Ng.Sự
Nông dân tập trung phát dọn cỏ bờ. Ảnh: Ng.Sự

Tập trung làm đất

Nắng hầm hập, đánh con trâu cày trên 4 sào ruộng khô khốc, ông Lê Văn Ngọc (thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh) nói: “Do vụ đông xuân năm nay toàn bộ diện tích này xuống giống vào trà cuối nên sau đợt nghỉ lễ vừa rồi tôi mới đồng loạt thu hoạch. Gặt xong, tôi bắt tay ngay vào việc cày phơi ải đất để chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu 2014”. Ông Trần Ngọc Bằng – Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, theo kế hoạch, hè thu sắp tới nông dân trên địa bàn huyện sẽ tổ chức canh tác 3.200ha lúa. Vì khoảng thời gian nghỉ giữa 2 vụ sản xuất quá ngắn nên gặt lúa đông xuân đến đâu, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương vận động nhà nông làm đất đến đó nhằm chủ động cắt đứt cầu nối sâu bệnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2014, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu bên cạnh việc xây dựng bài bản các phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn, ngành nông nghiệp cùng chính quyền cơ sở phải khẩn trương tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể những vùng sản xuất lúa khó khăn về nước tưới để vận động nông dân chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn có khả năng chịu hạn tốt nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Những ngày này, lội trên nhiều cánh đồng của huyện Đại Lộc, đâu cũng thấy nông dân hối hả phát dọn cỏ bờ, cày phơi ải đất. Bà Nguyễn Thị Ly (thôn Tây Gia, xã Đại Minh) cho biết, từ đầu đến cuối vụ đông xuân, bọ trĩ, bệnh đạo ôn, rầy nâu bùng phát và gây hại lúa nhiều đợt. Vì vậy, thu hoạch xong là bà liền mua vôi bột về rải khắp ruộng rồi thuê người cày lật đất để triệt tiêu mầm bệnh. Theo ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, hè thu 2014 nông dân địa phương sẽ gieo sạ 4.400ha lúa. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngay từ cuối tháng 4 dương lịch UBND huyện đã yêu cầu ngành liên quan và chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhà nông khẩn trương bắt tay vệ sinh đồng ruộng, cày phơi ải đất. Ông Tính nói: “Qua thống kê cho thấy, tính đến hết ngày 12.5 toàn huyện có hơn 1.000ha đất đã được cày lật. Hiện nay, chính quyền cấp cơ sở và những hợp tác xã nông nghiệp đang huy động tối đa các loại phương tiện để cày phơi ải càng sớm càng tốt”.

Theo ngành nông nghiệp Quảng Nam, vụ hè thu sắp tới toàn tỉnh sẽ xuống giống 44.000ha lúa. Cùng Phú Ninh và Đại Lộc, những ngày qua nông dân ở 16 huyện, thành phố khác cũng đã cày phơi ải được 25.000 - 27.000ha đất, số diện tích còn lại nhà nông đang nỗ lực thực hiện với tiến độ hết sức khẩn trương…

Thiết lập khung thời vụ hợp lý

Khung thời vụ sản xuất lúa hè thu 2014 được ngành nông nghiệp tỉnh xác lập như sau: Trà 1 gieo sạ từ 20 - 25.5, cơ cấu những giống có thời gian sinh trưởng hơn 105 ngày gồm Xi23, CH207, Nhị ưu 838. Trà 2 xuống giống từ 25 - 31.5, chủ yếu bố trí các loại giống có thời gian sinh trưởng 95 - 105 ngày như BC15, OM4900, TBR45, Q.Nam 1, CNR6206. Trà 3 gieo sạ từ 1 - 5.6, phần lớn sử dụng những giống có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày gồm HT1, HT9, PC6, KD18, Xuyên hương 178, N04-05, QR2, Syn6, Tej vàng, TH3-5.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dựa trên tình hình thực tế và những dự báo từ phía cơ quan khí tượng thủy văn, ngành nông nghiệp tỉnh đã xác lập một khung thời vụ cụ thể cho việc sản xuất vụ lúa hè thu 2014. Theo đó, thời gian xuống giống 44.000ha lúa bắt đầu từ ngày 20.5 và kết thúc vào 5.6. Tùy thời gian sinh trưởng của từng loại giống, bố trí lúa trổ bông từ ngày 1.8 - 15.8, trong đó thời điểm 5.8 - 10.8 là giai đoạn trổ tập trung. Việc thu hoạch phải đảm bảo xong trước ngày 10.9, chậm nhất là 15.9 nhằm hạn chế những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ông Muộn nói: “Tôi đề nghị chính quyền các địa phương, những hợp tác xã nông nghiệp và nông dân phải tuân thủ nghiêm lịch thời vụ này để lách tránh các rủi ro do thời tiết gây ra. Vụ đông xuân vừa rồi, tại một số nơi trên địa bàn tỉnh có hơn 206ha lúa nước trời bị mất trắng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là người dân gieo sạ trước lịch hướng dẫn của Sở NN&PTNT 20 - 30 ngày. Vì thế, lúa trổ sớm gặp những đợt mưa lạnh kéo dài khiến hàng loạt diện tích bị lem lép, thối hạt”.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, vụ hè thu này tỉnh chủ trương sử dụng những giống lúa trung và ngắn ngày có tiềm năng cho năng suất cao, kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm để sản xuất đại trà. Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị chính quyền các địa phương nhanh chóng quán triệt, phổ biến rộng rãi đến hộ sản xuất về chủ trương này, vì trong điều kiện nắng hạn ngày càng khốc liệt như hiện nay thì gieo sạ các loại giống lúa ấy mới có thể rút ngắn được thời gian tưới và giúp nhà nông trút bớt nỗi lo mất mùa trước những diễn biến khó lường của thời tiết do biến đổi khí hậu. Theo ông Lê Muộn, nông dân nên sạ cùng trà, cùng loại giống trên từng cánh đồng để thuận tiện tưới tiêu, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, cần áp dụng mạnh mẽ phương thức canh tác “1 phải, 5 giảm” để tăng lợi nhuận. Cụ thể là, phải dùng giống xác nhận và giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát khi thu hoạch. Ông Muộn nói thêm: “Nếu dùng công cụ sạ hàng thì mỗi sào chỉ cần sử dụng 1 - 1,2kg giống lúa lai hoặc 2 - 2,5kg giống lúa thuần. Như vậy, ruộng lúa sẽ có mật độ vừa phải, quang hợp tốt, đẻ nhánh khỏe, ít bị sâu bệnh gây hại”.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ