Thu nhập cao từ vùng chuyên canh

HOÀNG LIÊN 06/05/2014 10:11

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, ổn định đầu ra cho nông sản, một số vùng rau chuyên canh đang hướng tới mục tiêu sản xuất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng…

Mô hình điểm

Thôn Khúc Lũy (xã Điện Minh, Điện Bàn) có khoảng 350 hộ thì có đến 2/3 số hộ trong thôn sản xuất rau. Nhiều năm liền, bên cạnh cây lúa, việc sản xuất các loại rau chuyên canh theo hướng hàng hóa đã giúp bà con cải thiện và ổn định đời sống. Tận dụng ưu thế của vùng bãi biền ven sông màu mỡ, nhiều nông hộ đã trồng cải xanh, mồng tơi, ớt, dền đỏ, dưa leo, khổ qua, bí đao… với diện tích lớn. Không chỉ vậy, nhiều hộ còn chủ động cải tạo vườn tạp để trồng rau. Trên diện tích 500m2 đất vườn, bà Nguyễn Thị Nguyệt (đội 6, Khúc Lũy) trồng 300m2 rau húng tròn và 200m2 rau lang lấy ngọn. Dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ, bà Nguyệt đã bội thu với loại rau gia vị khi giá thành 1kg húng tròn dao động từ 60 – 70 nghìn đồng. Tính từ dịp tết đến nay, khu vườn nhà bà đã đem lại thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng. Cạnh đó, ông Hà Ngọc Dũng cũng trồng chuyên canh cây cải, mồng tơi trên 2 sào đất vườn. Mỗi tháng gia đình ông thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng từ cây rau. “Dù cây rau cũng như nhiều nông sản khác đứng trước cảnh được mùa mất giá, song không thể phủ nhận hiệu quả mà nó đem lại so với trồng lúa. Chính cây rau đã giúp vùng đất Khúc Lũy thay da đổi thịt, đem lại đời sống ấm no cho bà con vùng này” - ông Dũng chia sẻ.

Vùng chuyên canh rau Mỹ Hạt đã hình thành từ nhiều năm nay. Ảnh: HL
Vùng chuyên canh rau Mỹ Hạt đã hình thành từ nhiều năm nay. Ảnh: HL

Vào cuối năm 2013, gia đình ông Hồ Thăng, một trong số hộ trồng rau chuyên canh đã được chọn hỗ trợ từ dự án “Ứng dụng chế phẩm vi sinh để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng phục vụ sản xuất rau an toàn tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam” do Trung tâm Ứng dụng & thông tin khoa học – công nghệ Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Điện Bàn triển khai. Theo đó, gia đình ông Thăng được chọn thực hiện mô hình trình diễn trên diện tích 1.000m2, trồng 4 loại rau quả: cải xanh, mướp đắng, mồng tơi, bù ngót trong nhà lưới kết hợp bón phân vi sinh. Mô hình được hỗ trợ chế phẩm vi sinh, được trực tiếp hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất phân vi sinh và bón cho cây trồng. Ngoài ra, mô hình rau trong nhà lưới kết hợp bón phân vi sinh trên còn được đầu tư hệ thống tưới phun sương, phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn.

Ông Hồ Thăng cho biết, sử dụng phân vi sinh giúp ông giảm đến 25% lượng phân vô cơ, giảm tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật. Rau lại chắc khỏe, ít bị sâu bệnh… Thấy hiệu quả, bà con xung quanh đã đến tìm hiểu, có nguyện vọng nhân rộng mô hình. Nhờ hiệu quả từ bón phân vi sinh, trên diện tích 350m2, cải xanh cho thu hoạch đến 750kg/lứa; mồng tơi giống Trang Nông triển khai trên 300m2, qua 3 lứa thu hoạch được 700kg. Riêng 200m2 mướp đắng, lứa thu hoạch đầu cho 40kg… Qua 3 lứa rau các loại, gia đình ông Thăng thu từ 25 - 30 triệu đồng. Nhờ được dự án hỗ trợ hệ thống tưới phun sương nên mùa nắng gắt này, gia đình ông đã chủ động được việc tưới nước, lại không tốn công và mất thời gian so với trước. Mỗi năm, với 6 - 7 lứa rau luân phiên, nguồn thu nhập mà gia đình có được khoảng 60 triệu đồng. “Làm rau bận rộn, đất không có thời gian nghỉ ngơi, hơi vất vả nhưng thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tôi vô cùng vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất từ dự án” - ông Thăng nói.

Quy hoạch vùng sản xuất

Tại cánh đồng Diều Gà (thôn Mỹ Hạt, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), vụ đông xuân 2013 - 2014 này, nhiều nông hộ thu nhập cao nhờ bí đao chanh được mùa, được giá. Ước tính, 1ha bí đao chanh đem lại cho bà con thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Ông Lê Trường Linh - Trưởng thôn Mỹ Hạt cho biết toàn thôn có 7ha chuyên sản xuất rau quả, được chuyển đổi từ đất lúa. So với lúa, hiệu quả kinh tế từ làm rau quả đã rõ rệt. Bình quân 1ha rau cho thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng. Vụ này được mùa bí đao chanh, mỗi sào bí cho thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng. Vùng chuyên canh Diều Gà đã hình thành nhiều năm nay, thu hút tới 30 hộ tham gia sản xuất đủ loại rau quả: bí đao, cải, mồng tơi, rau muống, bắp ngọt... “Chính nhờ vùng chuyên canh, đời sống bà con dần khấm khá so với trước, tỷ lệ nhà tạm được xóa 99%, nhà nào cũng sắm được ti vi, xe máy, 70% hộ dân trong thôn đã sắm được tủ lạnh…” - ông Linh cho biết. Còn theo ông Lê Màng - cán bộ khuyến nông thôn Mỹ Hạt, bà con nông dân ngày nay đã tiến bộ rất nhiều về tư duy sản xuất, họ chủ động hơn trong việc tiếp cận giống cây trồng mới, cho năng suất cao và được thị trường ưa chuộng. Đó là tín hiệu khởi sắc giúp vùng đất Mỹ Hạt không ngừng chuyển mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho hay, địa phương đang khảo sát, chọn cánh đồng Diều Gà để quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn. Hệ thống kênh mương nội đồng sẽ được đầu tư kiên cố phục vụ tưới tiêu. Bà con đã có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới. Sắp tới, thị trấn sẽ học tập các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP hiệu quả trên địa bàn tỉnh để áp dụng vào Diều Gà. “Truyền thống sản xuất rau màu của bà con Mỹ Hạt đã có từ lâu. Vùng này lại có chợ Nam Phước là chợ đầu mối cung cấp nông sản cho các vùng lân cận và đi khắp nơi nên việc hình thành vùng chuyên canh rau an toàn là khả thi. Song điều lo ngại nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm bởi bài toán được mùa mất giá đến nay vẫn chưa có lời giải” - ông Hưng chia sẻ.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN