Được mùa muối
Trái ngược với cảnh được mùa mất giá như mọi năm, bước vào vụ này, diêm dân trên địa bàn tỉnh phấn khởi vì muối được mùa lẫn giá. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước.
Diêm dân Tam Hòa sản xuất muối sạch.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đến với các cánh đồng muối của xã Tam Hòa (Núi Thành) vào những ngày qua, nhiều người “vui lây” với bà con diêm dân về một mùa muối thắng lợi. “Nắng đến cháy da như thế này thì sản xuất vất vả hơn. Thế nhưng, diêm dân chúng tôi chỉ chờ thời tiết thuận lợi như vậy. Mỗi ngày chúng tôi thu hoạch được gần 2 tấn muối. Cứ đà sản xuất này thì sản lượng muối thu hoạch năm nay sẽ gấp 2 - 3 lần mọi năm” - chị Đoàn Thị Phượng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) cho biết. Sản xuất trên diện tích 1,2ha, năm vừa rồi gia đình chị Phượng thu được 120 tấn muối. Năm nay, chỉ mới bước vào những ngày đầu vụ, chị đã thu hoạch được 30 tấn muối. Không chỉ được mùa, năm nay muối rất được giá. Thời điểm này, giá muối mà diêm dân bán được tại ruộng là 1.800 đồng/kg, tăng 1/3 so với năm vừa rồi.
Hiện nghề muối ở Tam Hòa phân bổ tại 3 thôn là Bình An, Hòa Bình và Đông Thạnh Đông. Tổng diện tích sản xuất muối của địa phương vào thời điểm này xấp xỉ 15ha. Ông Ngô Văn Hiệp, cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Hòa nói, nhờ được hỗ trợ vật liệu như bạt lót và được đi tham quan, tiếp thu thêm kinh nghiệm, liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra sản phẩm nên diêm dân sản xuất ổn định. Địa phương đang khuyến khích phát triển nghề truyền thống này. Theo UBND xã Tam Hòa, năm nay muối Tam Hòa bán được giá cao hơn các vùng sản xuất muối khác là nhờ sản phẩm muối sạch đã được các đầu mối tiêu thụ đánh giá cao về chất lượng. Điều đó có được là nhờ độ mặn của muối cao, muối luôn đảm bảo độ sạch, có màu sắc trắng tinh hấp dẫn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi ở các vùng sản xuất khác, diêm dân sản xuất bằng cách đưa nước trực tiếp vào các “khoanh” kết tinh muối thì diêm dân Tam Hòa chỉ kết tinh muối sau khi lắng lọc nguồn nước thông qua hệ thống lọc nên muối sạch hơn. Không chỉ vậy, muối Tam Hòa còn được khẳng định bằng độ kết tinh cao. Trong khi các vùng sản xuất muối khác, sản phẩm chỉ có độ kết tinh đạt khoảng 80% thì muối ở đây có độ kết tinh đạt 95%. Để làm được điều này, thay vì “ươm” nắng trong thời gian 3 ngày, diêm dân Tam Hòa để muối kết tinh trong khoảng 5 ngày. Với cách sản xuất như vậy, muối của diêm dân Tam Hòa rắn chắc hơn, khó tan chảy hơn.
Ông Ngô Văn Hiệp bên sản phẩm muối vừa thu hoạch.Ảnh: QUANG VIỆT |
Ông Trương Công Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết, hiện tại, sau khi khảo sát, đánh giá lại các vùng sản xuất muối, địa phương đã quyết định mở rộng diện tích sản xuất muối lên 40ha. “Công trình khu chế biến muối Tam Hòa đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong năm 2014 này. Với việc ra đời của khu chế biến muối, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Tam Hòa sẽ thu mua muối của diêm dân địa phương rồi về chế biến thành muối i ốt để bán cho các công ty kinh doanh muối trong và ngoài tỉnh theo các hợp đồng đã ký kết. Với cách làm này, chúng tôi rất tin tưởng nghề làm muối sẽ đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương” - ông Bình nói.
Có thể khẳng định, nghề muối ở Tam Hòa khởi sắc trong thời gian qua là do nỗ lực của người dân cộng với sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước. Đặc biệt từ sự hỗ trợ về bạt lót, người dân đã áp dụng quy trình sản xuất muối sạch, rồi biết liên kết để tìm đầu ra sản phẩm. Ông Kiều Văn Ba - Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam) cho biết. “Sắp tới chúng tôi sẽ phổ biến quyết định hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ký mới đây cho diêm dân và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Tam Hòa để người dân nắm bắt thông tin và mạnh dạn mở rộng sản xuất. Người dân và hợp tác xã chế biến sẽ được hỗ trợ mức vay tối đa để sản xuất. Sau khi vay, 100% lãi suất vốn vay sẽ được hỗ trợ trong 2 năm đầu. Từ năm thứ 3, lãi suất vốn vay sẽ được ưu đãi 50%”.
NGUYỄN QUANG VIỆT