Nỗ lực chống hạn
Do mặn xâm nhập với nồng độ cao, mực nước của một số hồ chứa tụt giảm mạnh khiến nhiều diện tích lúa đông xuân chính vụ ở huyện Duy Xuyên và Quế Sơn đứng trước nguy cơ bị khô hạn nghiêm trọng. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp cùng chính quyền ở 2 địa phương đang tập trung mọi nỗ lực để cứu lúa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại…
Mặn xâm nhập sâu
Ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết, gần 1 tuần nay, do trạm bơm 19.5 hoạt động cầm chừng vì bị mặn xâm nhập nên cả 2 sào ruộng nằm ở khu vực cuối kênh của ông không có nước tưới. Thời điểm này, cây lúa đang trong giai đoạn trổ đòng và ngậm sữa, nếu những ngày tới tình trạng khô hạn vẫn kéo dài thì chắc chắn năng suất sẽ tụt giảm mạnh. Không riêng ông Tuấn, hiện hàng nghìn hộ dân khác ở xã Duy Phước và Duy Vinh cũng nơm nớp lo cho số phận của 350ha lúa phụ thuộc vào nguồn nước tưới do trạm bơm điện 19.5 cung ứng. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, từ ngày 11.4 tới nay vì mặn liên tục xâm nhập sâu vào miệng bể hút với nồng độ 3,5 phần nghìn khiến công trình thủy lợi trọng yếu này vận hành rất khó khăn dẫn đến hàng loạt chân ruộng tại 2 địa phương trên bị thiếu nước tưới.
Lắp đặt máy bơm dã chiến tại khu vực cầu Thấn (Duy Phước, Duy Xuyên) để cứu lúa. Ảnh: MAI NHI |
Trước tình hình nguy cấp ấy, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên đã yêu cầu lực lượng thủy nông thay phiên nhau túc trực thường xuyên tại khu vực bể hút của trạm bơm 19.5 để đo nồng độ mặn. Khi nồng độ mặn giảm xuống dưới 0,8 phần nghìn thì lập tức vận hành tất cả tổ máy để đưa nước về đồng chống hạn cho lúa. Ông Văn Bá Năm cho biết thêm, ngoài giải pháp trên thì những ngày qua các đơn vị liên quan cũng huy động tối đa nhân lực, phương tiện tiến hành lắp đặt một số máy bơm dã chiến tại cầu Thấn để hút nước ngọt từ sông Đào đưa lên tuyến kênh chính của trạm bơm 19.5 nhằm giải cứu 350ha lúa đông xuân chính vụ và nhiều diện tích cây trồng cạn chủ lực khác...
Hồ chứa hụt nước
Đại Lộc chi 1 tỷ đồng chống hạn Sáng 16.4, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, với những diễn biến bất lợi của thời tiết thì dự kiến từ nay đến cuối vụ đông xuân toàn huyện có ít nhất 210ha lúa bị khô hạn nặng, tập trung nhiều nhất tại các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Quang. Trước tình trạng đó, thời gian qua chính quyền cơ sở và một số hợp tác xã nông nghiệp ở những địa phương trên đã chủ động chi 1 tỷ đồng để nạo vét nhiều lạch dẫn nước từ sông vào bể hút trạm bơm, khơi thông dòng chảy kênh mương, đắp hàng loạt đập bổi… nhằm kịp thời chống hạn cho số diện tích lúa vừa nêu. |
Mấy ngày nay, có mặt tại cánh đồng Quán thuộc thôn Xuân Quê 1 (xã Quế Long, huyện Quế Sơn) chúng tôi thấy nông dân nơi đây cũng đang lo lắng trước tình trạng nắng hạn kéo dài. Bà Phan Thị Nga – một người dân địa phương nói: “Vụ đông xuân năm ngoái, nhờ nước tưới luôn đảm bảo nên năng suất lúa đạt khá cao, bình quân mỗi sào thu về hơn 270kg khô. Còn nay, lúa vừa trổ đòng rộ thì bị thiếu hụt nước, vì vậy sản lượng giảm là điều khó tránh khỏi”. Ông Lê Văn Nhân – Chủ tịch UBND xã Quế Long cho biết, cánh đồng Quán này có tổng cộng 140 sào đất canh tác lúa. Lâu nay, toàn bộ diện tích lúa ấy phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ hồ chứa Giang. Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua do nắng nóng hoành hành trên diện rộng khiến mực nước của hồ chứa này bị tụt giảm mạnh. Trong khi đó, cánh đồng Quán lại nằm cách hồ chứa Giang khoảng 3km, hệ thống kênh dẫn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên việc tải nước về ruộng hết sức nan giải. Ông Nhân nói: “Nhằm kịp thời chống hạn cho số diện tích lúa trên cánh đồng Quán từ nay đến cuối vụ đông xuân cũng như hè thu 2014 sắp tới, lãnh đạo xã đã đề nghị ngành chức năng ở huyện Quế Sơn nghiên cứu hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương một trạm bơm dã chiến để hút nước đập Ồ Ồ đưa lên tuyến kênh bê tông dài 500m”.
Không chỉ xã Quế Long, hiện nay tại một số nơi khác của huyện Quế Sơn cũng có nhiều chân ruộng thiếu nước tưới. Theo ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT huyện, ngoài 115ha lúa nước trời bị khô ráp thì do mực nước của các hồ chứa, đập dâng tụt xuống thấp nên thời điểm này toàn huyện có 61ha lúa đông xuân chính vụ đang trong thời kỳ trổ đòng và ngậm sữa bị khô hạn nặng, tập trung chủ yếu ở xã Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Châu, Quế Minh, Quế Phong. Ông Chín nói: “Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, bên cạnh việc vận động nông dân ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương chính và nội đồng thì chúng tôi đã đề nghị UBND huyện xuất 60 triệu đồng hỗ trợ chính quyền các địa phương đắp đập ngăn nước từ những con suối rồi dùng máy bơm dã chiến hút nước cứu lúa”.
MAI NHI