Tập trung đối phó với hạn

NGUYỄN VĂN SỰ 19/03/2014 09:01

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang tại cuộc họp với lãnh đạo ngành nông nghiệp và chính quyền một số địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn, diễn ra sáng qua 18.3.

Nguy cơ khô hạn khốc liệt

Vụ đông xuân này, ngoài việc canh tác hàng chục nghìn héc ta cây trồng cạn thì nông dân trên địa bàn tỉnh còn sản xuất 42.500ha lúa. Hiện nay, lúa đang làm đòng và trổ nhưng suốt 2 tháng qua do nắng nóng kéo dài trên diện rộng đã khiến hơn 5.000ha lúa nước trời ở các huyện trung du, miền núi bị khô hạn nghiêm trọng. Mặt khác, từ đầu tháng 1 đến nay mặn liên tục xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Thanh Quýt, Bàn Thạch... với nồng độ cao (có thời điểm lên đến 6,2 phần nghìn) khiến hàng loạt trạm bơm điện phải ngưng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng. Do đó, gây ảnh hưởng hết sức nặng nề đến việc phục vụ tưới cho hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu ở Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ.

Cần khẩn trương ra quân nạo vét hệ thống kênh mương. Ảnh: VĂN SỰ
Cần khẩn trương ra quân nạo vét hệ thống kênh mương. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay toàn tỉnh có tổng cộng 73 hồ chứa lớn nhỏ, bình quân mỗi vụ cung ứng nước tưới cho khoảng 21.450ha đất sản xuất. Tuy nhiên, từ trước Tết Giáp Ngọ đến nay do lượng mưa phổ biến trên toàn tỉnh ở mức thấp, vì thế nước chảy về các hồ chứa rất ít, trong khi đó tất cả công trình này phải thường xuyên mở nước với lưu lượng lớn để phục vụ sản xuất đông xuân. Ông Điềm nói: “Chính vì những nguyên nhân trên nên thời gian gần đây mực nước tại những hồ chứa suy giảm rất nhanh. Đến nay, đa số hồ chứa đều có mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 và 2013, trong đó có 4 hồ thấp hơn 1,3 - 1,5m là Phú Ninh, Đông Tiển, Thạch Bàn, Khe Tân”. Theo ông Điềm, qua tính toán, cân đối sơ bộ nguồn nước thì các hồ chứa có khả năng đảm bảo nước tưới cho cây trồng từ nay đến cuối vụ đông xuân. Tuy nhiên, nếu trong những tháng tới lũ Tiểu mãn không xuất hiện và không có mưa bổ sung thì chắc chắn hàng loạt hồ chứa sẽ cạn kiệt, dẫn đến hàng chục nghìn héc ta lúa, hoa màu vụ hè thu 2014 bị khô hạn trầm trọng. Ngoài ra, hầu hết đập dâng ở khu vực miền núi sẽ có nguy cơ cao bị suy giảm mạnh dòng chảy cơ bản, không đảm bảo nước tưới vào thời điểm tháng 7 và 8.2014. Bên cạnh đó, hiện tượng bồi lấp trên sông Vu Gia, Thu Bồn, Vĩnh Điện cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất...

Dồn sức chống hạn

Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn cho biết, trước tình trạng mặn liên tục xâm nhập vào các sông với nồng độ ngày càng tăng, ngày 12.3 vừa qua các đơn vị liên quan đã tiến hành đắp đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên nhánh sông Vĩnh Điện - một nhánh rẽ của sông Thu Bồn với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình này có chiều dài 100m, cao 7,8m, rộng 3m. Công trình hoàn thành sẽ tạo nguồn nước ngọt cho trạm bơm Tứ Câu, Cẩm Sa, Vĩnh Điện, Thanh Quýt và cả chục trạm bơm khác hoạt động ổn định. Qua đó, sẽ chủ động cung ứng nước tưới cho ít nhất 2.000ha lúa, hoa màu trong vụ đông xuân này và hè thu 2014 sắp tới.

Phải xây dựng cụ thể các phương án đối phó
Tại cuộc họp vào sáng 18.3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, ngay từ bây giờ các ngành, các cấp phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ những phương án tối ưu nhằm đối phó hiệu quả với tình trạng khô hạn và nhiễm mặn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang thống nhất với những đề xuất của Sở NN&PTNT và yêu cầu từ nay đến ngày 25.3 các đơn vị liên quan phải tiến hành khảo sát thực tế, xây dựng cụ thể các phương án trong việc triển khai những giải pháp công trình để trình UBND tỉnh xem xét quyết định trong thời gian sớm nhất...

Ngoài huyện Điện Bàn, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam và chính quyền các địa phương khác cũng đã nhanh chóng vào cuộc để đối phó với hạn. Ông Vũ Đình Niên – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam nói: “Để tạo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng trước tình hình nắng hạn, nhiễm mặn ngày càng khốc liệt, đơn vị chúng tôi vừa tiến hành lắp đặt và vận hành một số trạm bơm dã chiến ở khu tưới Tứ Câu, Thạch Bàn, Đông Tiển. Đồng thời cũng tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy tại khu vực ngã ba Cẩm Đồng trên cửa sông Vĩnh Điện”.

Theo ông Võ Văn Điềm, nếu thời tiết vẫn khắc nghiệt thì rất nhiều khả năng vụ hè thu 2014 sắp tới toàn tỉnh sẽ có 10.600ha lúa và 400ha hoa màu bị khô hạn nặng. Vì vậy, ngay từ bây giờ lãnh đạo các địa phương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam phải chủ động xây dựng bài bản những phương án phòng chống hạn, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng. Các địa phương phải khẩn trương lập phương án kỹ thuật trình UBND tỉnh xem xét quyết định việc nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm Bến Hục, Nam Hà 1, Đông Lãnh, Ái Nghĩa, Cù Bàn và nạo vét khối lượng bùn cát bồi lấp trên sông Vu Gia đoạn từ ngã ba sông Quảng Huế đến trạm bơm Ái Nghĩa (thuộc huyện Đại Lộc) cũng như đoạn tại ngã ba sông Lạc Thành (thuộc huyện Điện Bàn). Cạnh đó, nạo vét, khai thông dòng chảy tại ngã ba sông Vĩnh Điện nhằm tăng cường lượng nước từ sông Thu Bồn về cấp cho các trạm bơm hoạt động ổn định. Đặc biệt là đắp đập ngăn mặn trên sông Bàn Thạch”.

NGUYỄN VĂN SỰ

NGUYỄN VĂN SỰ