Móc nối dây điện hạ áp ngoài đồng để sản xuất: Lợi bất cập hại
Chương trình thủy lợi hóa đất màu tại Quảng Nam đã giúp nông dân nâng mức thu nhập. Tuy nhiên, một số cánh đồng người dân phải sử dụng công tơ điện di động, móc nối với dây điện hạ áp rất nguy hiểm. Chúng tôi ghi nhận thực tế này tại huyện Duy Xuyên.
Nhiều nông dân sản xuất cây màu ở cánh đồng thôn Phú Bông (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) phải sử dụng cách chẳng ai muốn: dùng hai ống nhựa móc hai đầu dây điện câu vào đường dây điện hạ thế kéo ra cánh đồng để bơm nước tưới. Nguy hiểm là vậy, thế nhưng rau màu không thể thiếu nước tưới mỗi ngày vì đã từ lâu không còn đồng hồ đo đếm điện và cũng không có ổ cắm ở trụ điện phục vụ bơm tưới cây ở cánh đồng này. Bà Lê Thị Đường (thôn Phú Bông) dùng hai ống nhựa để đấu nối từ máy bơm nước lên đường dây hạ áp một cách thuần thục, nhìn cảnh này ai cũng ái ngại. Cách câu điện như vậy nhưng bà Đường cho là cẩn thận, vì việc này đã quá quen thuộc với bà lâu nay. “Tôi lường trước rồi chớ. Điện phải cẩn thận chứ không đùa được. Đàn ông họ dạn hơn thì móc 1 dây rồi tay cầm dây kia móc lên. Đằng ni tôi dùng 2 ống, móc xong ống ni rồi tới ống kia, giữ an toàn cho mình. Giữa đồng ni mà sơ hở dễ chết lắm chớ...” - bà Đường nói.
Còn ông Nguyễn Công Đức - đại lý điện lực tại thôn Phú Bông cho biết, lâu nay bà con nông dân một số khu vực tại xã Duy Trinh vẫn sử dụng điện bơm tưới nhiều cánh đồng theo cách này, rất nguy hiểm nhưng chưa có cách nào khác. Lý đo được ông Đức cho là đồng hồ đo đếm đưa ra trụ thường bị mất. Ông Đức cho hay: “Vấn đề này chúng tôi cũng đề xuất nhiều lần rồi, nhưng ngành điện họ cấp tới đồng hồ tổng thôi, còn dân ai sử dụng thì tự bắt lấy. Địa phương thì chỉ có hướng dẫn, phổ biến cho bà con thôi chứ không có cách chi khác vì ở đây ruộng manh mún quá. Ở đây dân khó khăn, công tơ điện giá 300 - 400 nghìn đồng một cái, nông dân không thể bắt từng thửa ruộng nên phải di động, bữa ni cánh đồng ni, mai cánh đồng khác. Xong đem về chứ để ngoài ni trộm lấy mất”.
Còn đối với bà con nông dân thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, Duy Xuyên) thì dù diện tích lớn hay nhỏ, thời gian bơm tưới bao lâu không được người quản lý điện quan tâm, họ chỉ tính tổng số tiền điện hằng tháng tại công tơ tổng và chia đều cho từng hộ. Mặc dù chấp nhận cách tính tiền như vậy nhưng bà con nông dân không hài lòng. Ông Hồ Tấn Ngưng - đội 1 thôn Lang Châu Bắc nói: “Có điện cũng rất thuận lợi bơm tưới cho đồng ruộng ni, nông dân chúng tôi rất cảm ơn. Tuy nhiên điện chập chờn đã đành, hiện nay họ thu mỗi sào đất màu 170 nghìn đồng/tháng, làm dây khoai không dùng nước cũng lấy chung chung hết, một số cây màu sử dụng ít nước cũng tính như rứa thử hỏi nông dân chúng tôi có khổ không?”.
Cách câu điện lên dây hạ thế giữa đồng, tính tiền điện bình quân không chỉ có tại huyện Duy Xuyên mà còn diễn ra ở một số nơi khác trên địa bàn tỉnh. Thiết nghĩ ngành điện lực và chính quyền các địa phương có hệ thống điện phục vụ thủy lợi hóa đất màu cần có biện pháp hợp lý hơn, phòng ngừa rủi ro, nguy hiểm, tạo điều kiện để bà con nông dân yên tâm sản xuất.
V.HẢO - T.CHÂU