Hỗ trợ nhà nông diệt chuột

MAI NHI - SỸ ÁNH 14/02/2014 10:00

Do phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm ở khu vực gò đồi nên thời gian qua ruộng lúa ở xã Quế Bình (huyện Hiệp Đức) bị chuột cắn phá. Trước tình trạng ấy, bên cạnh việc hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân mua bẫy, chính quyền địa phương phát động mạnh mẽ phong trào diệt chuột.

DẪN chúng tôi lội thăm những ruộng lúa non xanh rì, ông Trần Công Tuấn (thôn 4, xã Quế Bình) phấn khởi: “Lúc trước, do lũ chuột hoành hành dữ dội nên vụ nào năng suất lúa của gia đình tôi và các hộ dân trong vùng cũng đều đạt rất thấp. Tuy nhiên, 2 vụ sản xuất gần đây nhờ quyết liệt thực hiện phong trào ra quân diệt chuột nên sản lượng lúa tăng lên đáng kể”. Ông Tuấn có 10 sào đất canh tác lúa và hoa màu. Do toàn bộ diện tích này nằm ven gò đồi, triền núi nên năm 2012 trở về trước thường bị mất mùa vì chuột hay cắn phá. Áp dụng các biện pháp cũ không hiệu quả, đầu vụ đông xuân năm ngoái ông Tuấn tìm mua 40 chiếc bẫy hình bán nguyệt về đặt để tiêu diệt chuột. Chia sẻ về kỹ thuật đặt loại bẫy này, ông Tuấn nói: “Để bắt được chuột thì phải tìm cho bằng được đường đi và hang ổ của nó, sau đó đặt bẫy ngay trên lối đi của chúng. Giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng thường bị chuột cắn phá mạnh nên cần phải giữ nhiều nước ở chân ruộng, đồng thời dùng rơm chất thành những ụ nhỏ cao hơn mặt nước chừng 3cm để đặt bẫy. Khi chuột rời hang ra ruộng cắn lúa thì chắc chắn sẽ tấp vào các ụ rơm đó tìm nơi trú ngụ và chúng liền dính phải bẫy”. Ông Tuấn cho biết, với 40 cái bẫy đặt khắp ruộng, bình quân mỗi đêm ông tiêu diệt được 20 - 30 con chuột.

Ông Lê Quốc Miên - cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của xã Quế Bình cho biết, vụ hè thu năm 2012 do chuột bùng phát trên diện rộng nên trong tổng số 70ha lúa của địa phương thì có đến 40ha bị tụt giảm mạnh năng suất hoặc mất trắng hoàn toàn. Trước tình trạng đó, đầu năm 2013 ngành nông nghiệp huyện Hiệp Đức phối hợp với các đơn vị liên quan ở xã Quế Bình mở nhiều buổi tập huấn hướng dẫn những biện pháp diệt chuột hữu hiệu nhất cho nông dân trên địa bàn. Đồng thời UBND xã quyết định thành lập ban chỉ đạo công tác diệt chuột và thường xuyên cắt cử cán bộ về đứng điểm ở các thôn để tích cực giám sát đồng ruộng, hỗ trợ người dân cách bỏ thuốc, đặt bẫy, đào phá hang chuột… Đặc biệt, để khuyến khích nông dân ra quân tiêu diệt chuột, ngoài việc hỗ trợ 50% số tiền mua bẫy, chính quyền địa phương còn trích nguồn ngân sách thu mua đuôi chuột với giá mỗi cái là 3 nghìn đồng. Ông Miên nói: “Thời gian qua phong trào thi đua tiêu diệt chuột ở Quế Bình đã phát triển rộng khắp. Thực tế cho thấy, vụ hè thu 2013 vừa qua số diện tích lúa và rau màu bị chuột cắn phá trên toàn xã đã giảm hơn 80% so với cùng vụ sản xuất của năm 2012. Qua kiểm tra, theo dõi thì từ thời điểm trước Tết Giáp Ngọ đến nay 70ha lúa và 62ha cây trồng cạn vụ đông xuân 2013 - 2014 sinh trưởng, phát triển rất tốt, không hề bị chuột tấn công, hứa hẹn sẽ mang lại cho nhà nông một mùa bội thu”.

Ông Phạm Thanh Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Bình cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay nhờ được hỗ trợ một phần kinh phí nên trên địa bàn xã có khoảng 150 hộ dân đầu tư mua gần 500 chiếc bẫy và đã tiến hành tiêu diệt ít nhất 2 nghìn con chuột. Ông Ba nói: “Trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua bẫy và thu mua đuôi chuột để phong trào này được duy trì thường xuyên nhằm bảo vệ an toàn đồng ruộng, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho nhà nông”. Được biết, năm 2013 xã Quế Bình được UBND huyện Hiệp Đức tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua diệt chuột...

MAI NHI - SỸ ÁNH

MAI NHI - SỸ ÁNH