Chăm sóc lúa đông xuân sau tết

NGUYỄN HỮU DŨNG 12/02/2014 09:01

Vụ lúa đông xuân là vụ sản xuất chính quyết định sản lượng lương thực cả năm, nhưng là vụ thường chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết mưa phùn và rét lạnh. Hiện nay thời tiết đang nắng ấm, thuận lợi cho việc chăm sóc nhằm giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Việc chăm sóc lúa đông xuân sau tết vừa hạn chế cỏ dại, sâu bệnh hại và tránh những yếu tố bất lợi của thời tiết ở giai đoạn xung yếu. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân thâm canh cây lúa áp dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, ”1 phải 5 giảm” để vừa giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước tưới và công lao động nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả thu nhập cao trên một đơn vị đất sản xuất. Đây là một bài toán khó đối với một “xí nghiệp ngoài trời”. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, để đạt được vụ lúa bội thu nông dân cần quan tâm một số vấn đề như: ruộng gieo cấy đúng lịch thời vụ, cơ cấu đúng giống và bón phân lót đầy đủ, đến nay lúa trà 1, 2 đang thời kỳ đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, lúa trà 3 đã và đang tiến hành tỉa dặm bón phân thúc lần 1 và đang thời kỳ đẻ nhánh. Đầu vụ do thời tiết diễn biến có rét lạnh đã ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, vì vậy cần tiếp tục chăm sóc cho lúa là phải căn cứ vào tình hình sinh trưởng, phát triển và màu sắc của từng ruộng lúa để có hướng đầu tư phù hợp, không lạm dụng quá liều lượng phân đạm, tăng cường bón bổ sung đầy đủ phân lân, vôi trên những chân ruộng bị chua phèn, ruộng bạc màu đã không bón lót, ruộng nghèo dinh dưỡng cần đầu tư nhiều phân chuồng hoai mục để cải tạo thêm thành phần cơ giới cho đất. Ruộng trũng nên tháo nước để nước trên mặt ruộng từ 1 - 2cm cho lúa đẻ nhánh (nước ngập sâu lúa đẻ nhánh kém và vóng cây), tận dụng tro bếp, bánh dầu, chế biến phân chuồng, phân xanh để bón thay cho phân vô cơ vừa giảm chi phí đầu tư, nhất là các huyện trung du miền núi, bón phân thúc lần 1, lần 2 phải đúng loại và liều lượng, nhất là nhóm giống lúa trung ngày, ngắn ngày phải bón sớm để đảm bảo lúa đẻ nhánh tốt.

Hiện nay thời tiết nắng ấm, tuy nhiên diễn biến thời tiết bất thường cũng cần đề phòng mưa, rét ở hạ tuần tháng 2, có năm thời tiết rét cục bộ ở những ngày thượng tuần tháng 3, ở giai đoạn xung yếu cây lúa (làm đòng và trổ bông), vì thế khi bón phân đón đòng và nuôi đòng cho lúa phải chú ý: những ruộng có độ phì tốt, đất có tầng canh tác dày, được bón phân cân đối, cây lúa có sức đề kháng tốt hơn, khi gặp rét lạnh kéo dài chóp lá lúa không biểu hiện khô đầu lá, nhưng thời kỳ đứng cái, làm đòng lúa thiếu dinh dưỡng thường chuyển vàng tươi từ lá chân lên lá đòng, trường hợp này lượng phân đối với ruộng gieo cấy lúa lai là urê từ 1 - 2kg/sào, kali 3 - 4kg/sào, ruộng lúa thuần Urê 1 - 1,5kg/sào, kali 3kg/sào; khi lá công năng, lá đòng chuyển vàng tươi thì lúa lai bón phân DAP 3-4kg/sào và kali 3kg/sào, lúa thuần bón DAP 2Kg/sào, kali 2kg/sào. Riêng ruộng đã biểu hiện khô đầu lá, nhưng lá lúa còn màu xanh đậm thì không cần bón phân đón đòng mà chuyển sang bón phân nuôi đòng, khi lá lúa chuyển sang màu vàng tươi, lượng phân bón nuôi đòng thì bón urê 1kg/sào, kali 2kg/sào cho cả lúa lai và lúa thuần. Nếu lá lúa biểu hiện màu vàng nâu, khô đầu lá và đỏ tía lá đòng thường do ảnh hưởng thời tiết, là biểu hiện về chức năng sinh lý, bệnh lý do bị điều kiện ngoại cảnh uy hiếp, khi thăm đồng để bón phân phải phân biệt màu sắc lá để xác định lượng phân bón, loại phân bón, cách bón và thời gian bón. Ruộng lúa thời kỳ đứng cái, làm đòng, sắp trổ phát triển kém có thể phun phân qua lá bổ sung và bón phân kali từ 1 - 2kg/sào để cây lúa cứng cây và chắc hạt. Khi bón phân phải giữ nước trên ruộng và nên bón vào buổi chiều hoặc lúc trời mát, tránh lúc trời rét đậm hay nắng to…

NGUYỄN HỮU DŨNG

NGUYỄN HỮU DŨNG