Trồng chuối mốc ở Tây Giang
Cây chuối mốc được xem là hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của đồng bào vùng biên ở Tây Giang.
Mô hình phát triển kinh tế, trong đó có mô hình trồng chuối mốc tại xã A xan đang đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con vùng biên này. Để thực hiện mô hình, đoàn công tác của huyện đã đến xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) để tìm hiểu mô hình trồng chuối của người dân nơi đây. Ông Clâu Hạnh - Phó Chủ tịch HĐND huyện
Chị Hốih Đum đang chăm sóc vườn chuối nhà mình tại thôn Arầng 1. Ảnh: H.YÊN |
Trong đợt khảo sát, tuyên truyền cho nhân dân xã A xan về mô hình trồng chuối, già làng Pơloong Jim (thôn Arầng 1) phấn khởi nói: “Việc đưa vào trồng cây chuối là bước ngoặt mới cho sự phát triển kinh tế, giúp nhân dân có công việc và thu nhập ổn định. Nhờ có chính sách đúng đắn của lãnh đạo huyện, người dân chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng với cách làm này, không bao lâu bà con sẽ tự biết cách vươn lên thoát nghèo”. Chị Hốih Đum (thôn Arầng 1) cho hay, gia đình chị trồng khoảng 1ha chuối mốc, chuối phát triển tốt, ra trái to. Một phần chị đem chuối bán cho các hàng quán ở trung tâm xã, phần còn lại thì thương lái tới tận vườn để mua với giá 70 nghìn đồng/buồng (khoảng 10 nải chuối). Giờ có đồng ra, đồng vào nên kinh tế gia đình khá lên. Gia đình và bà con trong vùng chỉ mong sao sức tiêu thụ chuối mốc lớn hơn nữa để có thể tiếp tục yên tâm đầu tư và phát triển mô hình trồng chuối.
Hiện Tây Giang đã tập trung trồng khoảng 50ha chuối mốc. Ông Hồ Đắc Vinh - Phó phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết: “Đầu tư phát triển chuối mốc tại A xan đem lại triển vọng mới cho đồng bào, từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống. Huyện cũng đang tích cực tìm kiếm thị trường ổn định để giúp bà con yên tâm phát triển cây chuối theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư và khuyến khích bà con mở rộng thêm diện tích trồng chuối để Tây Giang trở thành vùng đất chuyên canh cây chuối mốc lớn nhất tỉnh”.
HOÀNG YÊN