Mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh thái: Hiệu quả bước đầu

MAI NHI - PHI THÀNH 18/12/2013 14:08

Cách đây hơn 4 tháng, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Duy Xuyên triển khai thực hiện mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh thái tại xã điểm nông thôn mới Duy Phước. Thực tế cho thấy, mô hình này đã mang lại những kết quả tích cực.

Đàn heo của ông Nguyễn Tấn Út đang phát triển rất tốt.
Đàn heo của ông Nguyễn Tấn Út đang phát triển rất tốt.

Gia đình bà Lê Thị Cẩm ở thôn Triều Châu là một trong số hộ chăn nuôi heo với quy mô lớn tại xã Duy Phước. Cuối tháng 7.2013, được Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Duy Xuyên tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần kinh phí, bà Cẩm tiến hành thả nuôi 15 con heo trên nền đệm lót sinh thái với diện tích 20m2. Theo bà Cẩm, lúc đầu bình quân mỗi con heo có trọng lượng 20kg, sau hơn 3 tháng nuôi dưỡng tăng lên 70kg. Bà Cẩm phấn khởi: “Nuôi trên chuồng đệm lót sinh thái tôi thấy heo không bị tiêu chảy nên phát triển rất nhanh. Vừa rồi xuất chuồng đồng loạt, tôi thu về tổng cộng 42 triệu đồng, lãi ròng khoảng 40%. Nuôi heo trên nền đệm lót sinh thái còn giảm được một nửa công chăm sóc so với nuôi trên nền láng xi măng”.

Không riêng gì bà Cẩm, 20 hộ dân khác ở xã Duy Phước đăng ký tham gia mô hình này đều có chung nhận xét là các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp trên đàn heo hầu như không xuất hiện. Trong khi đó, chi phí thức ăn lại giảm nên giá trị kinh tế tăng cao. Duy Phước được xem là địa phương có nghề chăn nuôi heo phát triển rất mạnh. Tính đến đầu tháng 12.2013, tổng đàn heo trên địa bàn xã này khoảng 2.600 con. Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Duy Phước là một trong 3 xã được huyện Duy Xuyên chọn triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới. Vì thế, muốn đạt được tiêu chí về môi trường thì cần phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp căn cơ nhất để sớm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi heo gây ra. Ông Đào nói: “Cách đây hơn 4 tháng, được lãnh đạo Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện áp dụng kỹ thuật nuôi heo trên nền đệm lót sinh thái. Điều đáng mừng là thời gian qua các hộ tham gia thực hiện mô hình này đã cơ bản hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư”.

Theo các cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Duy Xuyên, mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh thái là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 để tạo ra quần thể vi sinh vật sống xử lý chất thải vật nuôi, hạn chế mầm bệnh, kích thích quá trình tiêu hóa. Ông Trần Đình Hùng - Trưởng trạm Khuyến nông & khuyến lâm huyện Duy Xuyên cho biết, nhờ thực hiện đúng quy trình nên các hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi này tiết kiệm được 80% chi phí điện, nước do không phải tắm heo, dội chuồng và giảm 60% công lao động so với trước đây. Ông Hùng chia sẻ: “Mô hình này hoàn toàn mới, vì vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung nhân ra diện rộng. Bởi đây là nhu cầu tất yếu đối với việc phát triển chăn nuôi theo phương thức nông hộ. Nó sẽ giải quyết cơ bản mâu thuẫn trong phát triển chăn nuôi với vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn”.

Cách làm đệm lót dày 60cm

- Bước 1: Rải lớp trấu dày 30cm.
- Bước 2: Dùng vòi phun nước sạch (phun như mưa) lên lớp trấu cho đến khi đạt độ ẩm 40%. Khi phun nước phải dùng cào đảo để cho trấu ẩm đều và làm phẳng mặt.
- Bước 3: Tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bã bắp có trong dịch men lên trên mặt lớp trấu.
- Bước 4: Tiếp tục rải lớp mùn cưa dày 30cm lên trên lớp trấu.
- Bước 5: Phun nước sạch đều lên trên mặt lớp mùn cưa đến khi đạt độ ẩm khoảng 20%. Khi phun nước phải dùng cào đảo để cho mùn cưa ẩm đều.
- Bước 6: Rải đều 5kg bột bắp đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa.
- Bước 7: Tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa, sau đó rắc đều hết phần bã bắp còn lại lên mặt lớp mùn cưa.
- Bước 8: Lấy tay xoa đều lên toàn bộ bề mặt lớp mùn cưa.
- Bước 9: Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc ni lông.
- Bước 10: Lên men.

Lưu ý, mùa mưa, sau khi làm xong đệm lót có thể thả heo vào ngay vì trời lạnh sự lên men chậm do vậy tận dụng nhiệt độ của heo để làm tăng lên men. Mùa khô thì trong 1 - 2 ngày đầu đã lên men mạnh đạt nhiệt độ hơn 40 độ C. Dưới độ sâu 30cm có thể đạt nhiệt độ 70 độ C, nhưng chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Sau khi lên men kết thúc, tiến hành bỏ bạt phủ, đồng thời cào lớp bề mặt (sâu khoảng 20 cm) cho tơi, để thông khí sau 1 ngày mới thả heo.

Cách chế 200 lít dịch men: cho 1kg men gốc và 10kg bột bắp vào thùng, sau đó cho thêm 200 lít nước sạch vào (nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15 độ C thì dùng nước ấm) rồi khuấy đều, đậy kín, để ở chỗ ấm trong thời gian hơn 24 giờ là dùng được. Mùa đông, có thể kéo dài đến 2 ngày.Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) và Yangon (Myanmar)…

MAI NHI - PHI THÀNH

MAI NHI - PHI THÀNH