Trồng lúa nước theo mô hình IPM ở Phước Sơn
Nhiều nông dân huyện vùng cao Phước Sơn rất phấn khởi khi được tham gia lớp học trồng lúa nước theo mô hình IPM (quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp), đem lại năng suất cao.
NHIỀU nông dân đến từ 8 xã, thị trấn của huyện Phước Sơn đã được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây lúa, bảo bệ môi trường… theo mô hình IPM. Nhờ lớp học mà nhiều lão nông đã nhận biết, phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa kịp thời; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, không ảnh hưởng đến môi trường. Trong quá trình học, các học viên đã trực tiếp thực hiện mô hình trên diện tích lúa của gia đình mình và đem lại hiệu quả tích cực. Ông Hồ Văn Nhẹ (thôn 1, xã Phước Năng) cho biết: “Khi học và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp là chỉ phun thuốc 1 lần/vụ trong giai đoạn làm đòng, trong khi ruộng biện pháp phòng trừ sâu bệnh truyền thống phải phun thuốc 3 lần/vụ. Sản xuất theo mô hình IPM, cây lúa được chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối hợp lý, tạo điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng. Năng suất vụ lúa nhà tôi vừa qua đạt 57 tạ/ha. Tham gia mô hình này không chỉ giảm chi phí đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn nâng cao hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương”.
Cánh đồng lúa được áp dụng mô hình IPM tại huyện Phước Sơn. Ảnh: H.Y |
Đứng trước cánh đồng lúa đang nặng trĩu hạt ở khối 2A (thị trấn Khâm Đức) được nông dân áp dụng mô hình IPM mới thấy được hiệu quả mà nó mang lại cho người nông dân vùng cao. Bà Nguyễn Thị Minh (khối 2A, thị trấn Khâm Đức) hồ hởi khoe: “Từ khi được học tập và áp dụng theo, cách đồng lúa diện tích 4 sào của nhà tôi đạt năng suất rất cao (23 tạ), tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ sâu, đỡ được rất nhiều tiền. Đối với người nông dân, trên cùng một diện tích canh tác, vừa giảm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe lại vừa cho năng suất cao, quả là không có gì vui hơn!”.
Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, hằng năm huyện đều tổ chức cho nông dân học trồng lúa nước theo hướng quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp trên cây lúa. Việc làm này đã giúp địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, đây là một việc làm thiết thực, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất. “Đáng chú ý trong chương trình này có mô hình “cấy mạ non mật độ thưa” được coi là một tiến bộ khoa học kỹ thuật lớn trong ngành nông nghiệp và áp dụng ở nhiều nơi trong cả nước. Khi áp dụng mô hình này, năng suất lúa trung bình toàn huyện đạt 41 tạ/ha, là con số rất cao so với các huyện miền núi” - ông Phiếm nói.
HOÀNG YÊN