Rau VietGap vẫn còn xa
Đến nay, tại nhiều làng rau trên địa bàn tỉnh, bà con nông dân đã nắm khá vững kỹ thuật và triển khai sản xuất, bảo quản, sơ chế rau an toàn theo hướng VietGap. Song, đầu ra cho sản phẩm VietGap còn bị động, người sản xuất chưa mặn mà… là thực tế chưa có lời giải.
Khó khăn đầu ra
Lâu nay, tại cánh đồng Lang Châu Bắc (Duy Phước, Duy Xuyên), vùng chuyên canh rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được quy hoạch gần 6ha tại đồng Bà Thụ đã thu hút 16 hộ dân canh tác. Đây là số hộ chuyên canh rau đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế, bảo quản rau sạch bài bản. Cùng với đó, nhà sơ chế rau sạch trị giá 900 triệu đồng đã được UBND huyện Duy Xuyên và UBND xã Duy Phước đầu tư trên địa bàn thôn. Sản phẩm sau khi sơ chế được đóng gói, dán nhãn mác thương hiệu “Rau quả sạch Lang Châu Bắc”. Một thời rau sạch của vùng đã được các siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, Co.opMart Đà Nẵng, BigC Đà Nẵng - Huế ký kết hợp đồng tiêu thụ. Công ty TNHH Việt Thiên Ngân đứng ra bao tiêu sản phẩm. Công ty còn đưa kỹ thuật viên trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ bà con tại cánh đồng, cung ứng giống, phân bón đến vùng... Tuy nhiên, hiện các đơn vị này đã thôi hợp đồng với nông dân, rau sạch Lang Châu Bắc vẫn bấp bênh đầu ra, nông dân không mặn mà. Ông Nguyễn Thận - Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho hay: “Sản phẩm không thiếu nhưng thị trường tiêu thụ còn bấp bênh. Toàn thôn có 16 hộ tham gia làm VietGap, nhưng do sức tiêu thụ và giá cả rau VietGap không đảm bảo, bà con đã chạy theo sản xuất theo hướng truyền thống để dễ tiêu thụ”.
Nhiều nông dân không mặn mà với rau VietGap. Ảnh: B.LIÊN |
Tại làng rau Hưng Mỹ (Bình Triều, Thăng Bình), tình hình cũng không khá hơn. Từ khi các siêu thị, Công ty TNHH Việt Thiên Ngân ngưng ký hợp đồng, rau được bán ra chợ đầu mối. Rau VietGap không đủ sức chống chọi lại rau trôi nổi có giá thành thấp, người tiêu dùng lại chuộng giá rẻ… Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Triều nói: “Hằng năm, địa phương phải tìm kiếm hợp đồng để đảm bảo đầu ra và đời sống cho bà con. Trước kia, Công ty TNHH Việt Thiên Ngân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3 - 4 tạ rau, chưa kể một số đơn vị phân phối nhỏ lẻ khác. Gần đây, đơn vị này chưa ký hợp đồng trở lại, nông dân gặp khó khăn”. Ông Nguyễn Văn Phúc thông tin thêm, mới đây, vào tháng 10.2013 HTX Sản xuất và tiêu thụ rau sạch Mỹ Hưng được thành lập. Sự ra đời của HTX là nỗ lực lớn của địa phương, bởi HTX sẽ đủ tư cách pháp nhân trong việc ký kết hợp đồng, tìm kiếm thị trường và đón nhận những chủ trương đầu tư thuận lợi.
Tại vùng rau Bàu Tròn (Đại Lộc), nhà sơ chế rau củ quả đã được thỏa thuận, cấp kinh phí xây dựng trong năm 2014. Hai khóa hỗ trợ kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap đã mở. Song, người trồng rau còn băn khoăn bởi nhiều lẽ. Nếu làm đúng quy trình sản xuất VietGap, hàng hóa sẽ có chỗ đứng, có thương hiệu. Quy trình dẫu khắt khe đến mấy, bà con vẫn có thể làm được. Nhưng liệu sản phẩm làm ra có được bao tiêu không và được bao tiêu với giá cả như thế nào? Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng thôn Bàu Tròn cho biết, ngoài nỗi lo trên, vấn đề quan trọng không kém là trên cùng một vùng đất, hộ này làm VietGap, hộ kia không theo, việc triển khai sẽ gặp khó. Hay trong quá trình kiểm tra sản phẩm, chỉ cần phát hiện mẫu rau không an toàn trộn lẫn vào đó thì coi như cả lô hàng đó sẽ “chết”. Nếu vấn đề này làm không triệt để, người sản xuất chân chính sẽ “chết” và thương hiệu làng rau sẽ mất. Trong khi đó, ông Huỳnh Hồng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tây An (Điện Phong, Điện Bàn) ngần ngại: “Cái khó hiện nay là làm rau VietGap tốn công, đầu tư nhiều nhưng khi ra thị trường, sức tiêu thụ yếu, giá cả không đảm bảo, gây khó cho người sản xuất. Hơn nữa, bà con đã quen với sản xuất theo kiểu truyền thống, quy trình sản xuất VietGap nghiêm ngặt, nông dân khó theo kịp”.
Mơ hồ thương hiệu
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh vừa phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam tổ chức khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho 30 hộ sản xuất rau của Tây An (xã Điện Phong, Điện Bàn). Khóa học nhằm giúp bà con dần thay đổi thói quen sản xuất truyền thống. Ông Ngô Văn Toàn - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề liên minh hợp tác xã tỉnh cho rằng, với thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống, trước mắt chỉ có thể hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất rau an toàn như: khâu xử lý thuốc như thế nào, thời gian thu hoạch sau khi phun thuốc đúng quy trình, hạn chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau… Để vùng rau Tây An được nhiều nơi biết tới, người làm rau phải tạo thương hiệu cho sản phẩm, mà cái này xem ra nông dân vẫn còn mơ hồ.
Quảng Nam có nhiều làng rau nổi tiếng như Trà Quế (Hội An), Bàu Tròn (Đại Lộc), Hưng Mỹ (Thăng Bình), Lang Châu Bắc (Duy Xuyên)… Đến nay, đã có nhiều khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap được tổ chức. Nhiều tổ hợp tác sản xuất rau VietGap cũng đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, siêu thị, hệ thống phân phối. Điển hình là làng rau Hưng Mỹ, Lang Châu Bắc. Nhiều cuộc hội thảo tìm đầu ra cho rau sạch Mỹ Hưng đã được tổ chức. Qua đó nhận thức về sản xuất của người dân được nâng lên rõ rệt, các làng rau nhận được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ từ phía địa phương, của huyện và tỉnh. Tuy nhiên, rau sạch vẫn cứ loay hoay về đầu ra và bà con lại “từ bỏ” kỹ thuật sản xuất mới để quay về với kiểu sản xuất truyền thống? Bên cạnh lời giải là yếu tố khách quan (thị trường, giá cả, đầu ra), cũng cần đề cập nhân tố người sản xuất. Bản thân người sản xuất cần phải thay đổi thói quen, giữ vững thương hiệu, mà chung quy lại là tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn. Những cái tên như Trà Quế, Bàu Tròn, Hưng Mỹ, Lang Châu Bắc… chính là thương hiệu. Việc tạo thương hiệu đã khó, giữ và phát triển thương hiệu càng khó. Sẽ dễ hiểu một khi thương hiệu làng rau bị đánh đồng với sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Thiệt thòi đó, vòng luẩn quẩn đó, nông dân phải gánh chịu.
BÍCH LIÊN