Làng rau vào vụ
Những ngày này, nông dân tại nhiều làng rau thuộc
Gia đình ông Phạm Thành tranh thủ xuống giống khổ qua cho kịp vụ đông. |
Xuống giống sớm
Vừa khắc phục xong hậu quả bão số 11, bà con vùng chuyên canh rau củ quả Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) lại tất tả bắt tay vào cải tạo đất, làm luống, xuống vụ. Vừa loay hoay xuống giống, ông Phạm Thành (một nông dân địa phương) cho biết, vụ rau này gia đình xuống giống trên 5 sào đất, chủ yếu gieo trồng các cây rau màu chủ lực như khổ qua, dưa leo, đậu cô ve. Thông thường, phải sau ngày 23.10 âm lịch bà con vùng này mới bắt đầu xuống giống, nhưng thời điểm này dù có thông tin bão số 12 đang tiến vào miền Trung nhưng nhiều người vẫn tranh thủ xuống giống sớm. Nông dân hy vọng kịp có nguồn rau vụ đông cung cấp cho thị trường vì đây là thời điểm rau khan hiếm nguồn cung do một số vùng bị ngập, úng thủy chưa thể sản xuất được. Không chỉ tạo nguồn rau vụ đông, việc xuống giống sớm còn giúp người dân Bàu Tròn chủ động về nguồn cung, giá cả dịp trước, trong và sau tết. “Việc xuống giống sớm có thể sẽ tránh được tình trạng “được mùa, mất giá” như mọi năm, bởi nếu ai cũng tập trung vào sản xuất cùng một thời điểm thì nguồn cung sẽ cao, nông sản khó khăn về đầu ra và giá cả không đảm bảo” - ông Phạm Thành nói.
Đang hì hục làm đất, vun luống trên thửa ruộng của mình, ông Phan Đình Hưng (người làm rau ở Bàu Tròn) chia sẻ, thấy trời nắng ráo nên tranh thủ xuống giống sớm. Nếu thời tiết ổn định thì khoảng giữa tháng 11 âm lịch, vùng này sẽ có rau củ quả bán ra thị trường. Còn nếu thời tiết xấu, mưa lũ thì coi như phân giống, công sức cuốn theo sông. Vùng này tương đối cao lũ, nguy cơ ngập úng thấp, nhưng đặt giống xuống là ai nấy cũng phập phồng nỗi lo. Vừa rồi, cũng vì xuống giống sớm, hơn 1,5ha đậu cô ve, bí đao đang mọc đã bị bão lũ cuốn hết. Vụ rau này, gia đình ông Hưng gieo trồng hơn 1ha rau màu, hiện ông đã xuống giống được 4 sào (2 sào đậu cô ve, 1 sào dưa leo và 1 sào khổ qua). Theo ông, năm nay giá hạt giống vẫn giữ mức ổn định, không có tình trạng khan hiếm giống, đại lý tự ý nâng giá như mọi năm, chất lượng lại đảm bảo yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng thôn Bàu Tròn cho hay, tới thời điểm này đậu cô ve trên thị trường có giá 15.000 đồng/kg, dưa leo 12.000 đồng/kg, cà chua 15 - 20.000 đồng/kg… mà không có để bán, trong khi vùng Bàu Tròn phải hơn 1 tháng nữa mới có sản phẩm. Cũng theo ông Dũng, địa phương có tổng cộng 85ha đất vòng 1 và vòng 2, hiện bà con đã xuống giống được 40% diện tích với các chủng loại dưa leo, khổ qua, cải xanh, đậu cô ve. Dù chưa hết 23.10 âm lịch nhưng làm nông vụ thì buộc phải làm sớm, qua tháng 10 âm lịch coi như đã xong. So với mọi năm, bà con xuống giống sớm hơn với nhiều chủng loại rau màu phong phú. Dần dần, rau vụ đông xuân đã trở thành vụ chính của làng Bàu Tròn khi thị trường tiêu thụ dồi dào, thương hiệu làng rau đã được tạo dựng. Toàn xã mọc lên hàng chục đại lý thu mua rau củ quả với số lượng lớn để nhập cho các chợ đầu mối, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng. Tổ hợp tác sản xuất rau củ quả Bàu Tròn vừa được thành lập, nhà sơ chế rau củ quả vừa được thỏa thuận địa điểm, sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2014 là tin vui cho người dân Bàu Tròn trên chặng đường xây dựng, phát triển thương hiệu.
Bội thu từ rau
Sau bão lũ số 11 tới nay, ở làng rau Tây An (thôn Tây An, Điện Phong, Điện Bàn) nhiều nông hộ đã bội thu nhờ rau cải mầm, cải bẹ trắng, bẹ xanh, rau thơm. Thoăn thoắt bó từng bó cải bẹ trắng để tối chở bỏ sỉ tại chợ Nam Phước, bà Nguyễn Thị Bảy chia sẻ: “Làng này nghèo nổi tiếng, nhưng 5 - 10 năm trở lại đây nhiều người ổn định cuộc sống nhờ hoa màu, nhờ những vụ rau liên tiếp trong năm. Dù đầu ra và giá cả rau còn bấp bênh nhưng so với trồng lúa, làm rau ổn định hơn”. Tây An có hơn 160 hộ thì có tới 60 hộ làm rau. Không chỉ sản xuất trên đất gò, bà con còn cải tạo vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng rau. Đi khắp đầu thôn cuối xóm, vườn nhà nào cũng xanh mướt.
Bão lũ 11 đi qua, nguồn cung khan hiếm, giá cả tăng vọt, nhiều hộ thu được hàng chục triệu đồng từ một lứa cải vừa thu hoạch. Vợ chồng ông Trần Xuân Đông (làng rau Tây An) hồ hởi: “Một sào cải xanh từ khi xuống giống tới khi thu hoạch hết khoảng 1 tháng chí ít thời điểm này cũng đem lại thu nhập 6 - 7 triệu đồng. Vợ chồng tôi đã lớn tuổi nhưng ngày nào cũng phải làm, ngày nào cũng nhổ, bó rau đều đều cho bạn hàng tới lấy. Từ hôm sau bão tới nay, ngày nào vợ chồng tôi cũng có 150 - 200 nghìn đồng từ rau cải, rau thơm”. Gia đình anh Phan Cư (một người dân địa phương) trồng 0,5 sào rau cải bẹ và 0,5 sào rau mầm đang kỳ thu hoạch. Anh cho biết, mỗi lứa rau mầm từ khi gieo tới khi thu hoạch xong khoảng 10 - 15 ngày. Do rau mầm có giá bán từ 12 - 15.000 đồng/kg nên mỗi ngày gia đình anh nhổ tỉa chừng 10 - 15kg bỏ sỉ. Trên diện tích rau cải mầm, anh Cư đang làm giàn khổ qua nhằm sớm có khổ qua bán đợt khan hàng cuối vụ đông và giáp tết. Anh cho biết, bên cạnh 1 mẫu đất màu, mỗi năm các vụ rau đem lại cho anh nguồn thu từ 25 - 30 triệu đồng.
Ông Huỳnh Hồng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tây An cho biết, đợt cao điểm này có hộ thu nhập vài chục triệu đồng từ rau. “Ăn” hết lứa này, bà con hăng hái xuống phân, xuống giống gieo lứa khác, phải “ăn” tới mấy lứa rau cải nữa rồi mới lo gieo rau vụ tết. Vùng này có thể làm rau quanh năm nhưng chủ đạo vẫn là cải mầm, cải bẹ xanh, cải bẹ trắng. Bên cạnh cây màu, cây rau đã cải thiện nguồn thu đáng kể cho vùng đất này. Cũng theo ông Hồng, địa phương vừa liên hệ với Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh xin hỗ trợ kỹ thuật trồng rau an toàn cho bà con Tây An. Sản phẩm rau toàn thôn ra thị trường khá lớn, vấn đề quan trọng lúc này là tạo thương hiệu, chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường. Bà con Tây An bên cạnh nỗ lực sản xuất, đang dần nỗ lực tạo dựng thương hiệu cho rau.
HOÀNG LIÊN - TRẦN LIỄU