Xã Đại Hưng (Đại Lộc): Ruộng úng thủy, sông cát bồi
Trong cơn bão lũ vừa qua, xã Đại Hưng (Đại Lộc) có trên 20ha đất đã bị bồi lấp và ngập úng nặng khó có khả năng phục hồi canh tác.
Thôn Thành Đại đối diện với nguy cơ sạt lở nặng. Ảnh: K.L |
Các thôn có diện tích ngập úng và bồi cát nhiều nhất là Trúc Hà, Đại Mỹ và Thành Đại. Tại thôn Thành Đại, 4/5ha đất ruộng đã bị ngập úng nặng đến nay vẫn chưa xử lý được dù thời điểm xuống giống vụ đông xuân đã gần kề. Theo ông Nguyễn Chiếu - Trưởng thôn Thành Đại, nguyên nhân chính gây ngập úng là kênh mương thoát nước từ ruộng ra sông đã bị cát bồi lấp nên nước không thoát được. Nhà ông Chiếu có 3 sào ruộng nhưng tất cả đều bị ngập úng. Tương tự, một sào rưỡi ruộng đất lúa của bà Nguyễn Thị Ba ở tổ 2 (thôn Thành Đại) cũng bị úng thủy hoàn toàn phải bỏ hoang không biết khi nào mới có thể canh tác lại. “Năm nào xã thuê xe về múc cát khơi dòng thì làm được còn không thì bỏ ruộng” - ông Chiếu cho biết. Ngoài ra, dọc 2 bên bờ sông các thôn Đại Mỹ và Thành Đại gần chục héc ta đất hoa màu cũng bị sạt lở, cát bồi lấp vĩnh viễn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân nơi đây. Không còn ruộng vườn, người dân trong thôn đành tự xoay xở việc làm để kiếm tiền, đàn bà ở nhà chăn nuôi, đàn ông thì rời quê đi làm nghề như thợ hồ, lột vỏ keo...
Ông Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết, ngập úng, bồi lở luôn là vấn đề “đau đầu” của xã trong những năm gần đây, nhất là sau cơn bão lũ số 11 vừa qua càng trở nên nghiêm trọng. “Năm nào đến mùa mưa bão cũng có hàng ngàn khối đất cát bị xói lở, bồi lấp nhưng xã chịu, không làm chi được” - ông Thịnh than thở. Theo ông, trong khi chờ sự vào cuộc của cấp ngành cao hơn, xã cũng đã chủ động tự khắc phục như đóng cây kè chắn, huy động dân thôn Đại Mỹ tiến hành trồng tre để giữ đất bãi biền ven sông, nạo vét kênh mương thoát nước… nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời vì đến mùa mưa bão đâu lại vào đấy. “Xã đang làm tờ trình gửi lên huyện để báo cáo huyện về khảo sát, hỗ trợ, có kế hoạch chống úng ngập lâu dài chứ làm kiểu đối phó như thời gian qua thì khổ quá” - ông Thịnh nói. Năm 2011, huyện cũng hỗ trợ xã 20 triệu đồng để nạo vét mương nhưng qua mỗi mùa bão lụt thì bị bồi lấp.
Cũng theo ông Thịnh, để giúp dân có đất canh tác, địa phương đang lập kế hoạch chuyển đổi những diện tích đất bị cát bồi lấp ven sông sang trồng các loại hoa màu phù hợp như dưa hấu, ớt…. Riêng với diện tích đất ruộng lúa bị úng thủy, trong trường hợp không thể thoát nước ra được thì sẽ cho người dân chuyển đổi sang trồng sen hoặc nuôi cá để phù hợp với điều kiện hiện tại nhằm hạn chế đất bị bỏ hoang, giúp người dân có công ăn việc làm tạm thời trong khi chờ những giải pháp hỗ trợ từ huyện.
Dù hàng năm người dân xã đều có những nỗ lực trong việc tìm biện pháp chống xói lở, ngập úng nhưng tất cả chỉ mang tính đối phó tạm thời nếu như không có một giải pháp cụ thể lâu dài cũng như kinh phí hỗ trợ từ các cấp ngành cao hơn. Trong khi chờ đợi, thì vấn đề bồi lở, ngập úng vẫn là nỗi ám ảnh thường trực của người dân Đại Hưng không chỉ hiện nay mà sẽ còn mãi mỗi khi đến mùa mưa lũ.
KHÁNH LINH