Vùng cao mất mùa lúa
(QNO) - Hầu hết các mùa vụ nông sản đang vào mùa thu hoạch, bỗng chốc đã bị bão số 11 tàn phá khiến đời sống của người dân ở các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang bộn bề khó khăn và có nguy cơ thiếu đói trong mùa giáp hạt.
Người dân thu hoạch lúa còn sót lại sau bão. Ảnh: Lăng A Cúi |
Sau cơn bão số 11, chị Alăng Thị Prới (ở thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, Đông Giang) cùng chồng đến thăm vườn hoa màu cùng khu lúa rẫy của gia đình mình phía bên công trình đập phụ Thủy điện Sông Kôn 2. Toàn bộ diện tích lúa đang vào mùa thu hoạch đã bị ngả rạp, trơ ngọn khiến vợ chồng chị ngậm ngùi.
Chị Prới cũng như nhiều hộ gia đình người Cơ Tu khác ở vùng cao này, sống chủ yếu dựa vào những vườn đất rẫy trồng vài sào lúa, sắn, chuối, cùng một số cây hoa màu. Đời sống còn nhiều khó khăn, những vườn đất rẫy trở thành nguồn sống giúp người dân vùng cao tìm được kế sinh nhai. “Bão làm hư hết lúa rồi. Biết lấy gì mà ăn nữa đây”, chị Prới nghẹn ngào. Trên mặt đất, những hạt thóc đang bắt đầu nảy mầm sau những ngày mưa dầm.
Ông Bríu Sơn - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, năm nay người dân địa phương trúng mùa lúa rẫy nhưng lại mất trắng do ảnh hưởng của bão số 11. Tại xã Sông Kôn, hàng chục héc ta lúa ở hầu hết các thôn cũng bị ngả đổ, hư hại khiến người dân lo lắng cho những ngày giáp hạt sắp tới. Vừa tranh thủ gặt những cây lúa nằm sát dưới mặt đất còn sót lại sau bão, ông Alăng Ranh (ở thôn Sơn, xã Sông Kôn) không khỏi ngậm ngùi. “Trồng lúa, người miền núi lo nhất là bị lũ heo rừng quấy phá, gây hư hại. Năm nay, lẽ ra người dân được mùa lúa. Vậy mà…”, ông Ranh bỏ lửng câu, nhìn về phía cánh đồng lúa bị ngả đổ.
Dọc theo tuyến quốc lộ 14G đi lên hai huyện vùng cao Đông Giang và Tây Giang, hàng loạt khu lúa rẫy của người dân bị gió quật ngã, “tuốt” sạch hạt. Người dân ở nhiều địa phương dù đã cố gắng tìm mọi cách cứu lúa nhưng cũng đành ngậm ngùi trước sức tàn phá của bão.
Theo ông Phan Hữu Thành - Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Đông Giang, cơn bão số 11 đã làm 188ha lúa nhe mùa cùng 75ha sắn và hàng trăm héc ta keo lai, cao su, ruộng lúa nước đang vào vụ thu hoạch bị đổ ngả, hư hại. Tại nhiều khu vực của xã Jơ Ngây, Tà Lu, Zà Hung,… hàng loạt chuối cũng bị gãy đổ khiến người dân buồn rầu. Nét mặt mệt mỏi sau khi chặt bỏ buồng chuối non bị ngả rạp, chị Arất Thị Muôn (ở thôn Brùa, xã Jơ Ngây, Đông Giang) cho biết: “Nhà mình trồng hơn 200 cây chuối, đang vào mùa thu hoạch, chừ bão quật ngã hết trơn. Mấy buồng chuối non ni chừ đem về nuôi heo thôi”. Ngay sau khi bão tan, chính quyền huyện Đông Giang cũng đã triển khai công tác hỗ trợ, giúp người dân khắc phục thiệt hại sau bão để ổn định cuộc sống.
Còn tại Tây Giang, mưa bão cũng khiến nhiều diện tích ruộng lúa nước và các loại hoa màu bị ngập úng, sạt lở nặng có khả năng mất trắng hoàn toàn. Nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hại khiến đời sống người dân càng trở nên khó khăn hơn. Theo ông Hồ Đắc Vinh - Phó trưởng Phòng NN&PTNN huyện Tây Giang, đề phòng trước diễn biến phức tạp của bão lũ, trước bão huyện Tây Giang đã triển khai công tác dự trữ lương thực tại các địa phương, thông qua các “kho thóc tình thương” với số lượng 12 tấn. Cùng với đó, các cửa hàng tạp hóa tại các xã trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức dự trữ trên 40 tấn gạo, 1.500 thùng mì tôm, 2.000kg cá khô và nhiều nhu yếu phẩm khác như mắm, muối, dầu,… đảm bảo cung ứng cho người dân trong thời gian xảy mưa bão. Tuy nhiên, do đường sá bị cô lập nhiều vùng hiện hơn 200 tấn ngô trên địa bàn các xã vùng cao bị ùn ứ, chưa thể bán được.
Tương tự, tại huyện Nam Giang, bão cũng khiến hàng chục héc ta lúa rẫy bị ngả đổ, vùi lấp, không có khả năng thu hoạch. Chính quyền huyện Nam Giang kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân để đảm bảo cuộc sống, từng bước khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão gây ra.
LĂNG A CÚI
|