Sắn tươi rớt giá

PHẠM VĂN HÀO 08/10/2013 13:36

Do ảnh hưởng của 2 cơn bão vừa qua nên nhiều diện tích sắn ở Quế Sơn đang bị hư thối. Kéo theo đó, sắn tươi bị trượt giá thê thảm.

Sắn được người dân nhổ chất đống nhưng chưa bán được.
Sắn được người dân nhổ chất đống nhưng chưa bán được.

Không bán được

Chạy dọc con đường vào xã Quế Minh, nhiều đống sắn đổ chình ình bên đường được người dân nhổ cách đây vài ngày nhưng thương lái vẫn chưa tới hỏi mua. Trong khi đó, do mưa dầm dề trên diện rộng liên tục nhiều ngày nay nên nhiều héc ta sắn đang bị thối rục. Vụ này, nhà ông Nguyễn Văn Hiền (57 tuổi, thôn Diên Lộc Nam, Quế Minh) trồng 3 sào sắn nhưng gần nửa diện tích bị thối do ngập úng. “Người dân đầu tư công sức, phân bón nhưng đến khi thu hoạch lại bán không được. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là nông dân chúng tôi lại điêu đứng đầu ra với cây sắn” - ông Hiền thở dài.

Bà Huỳnh Thị Diệp - Trưởng thôn Diên Lộc Nam cho biết, chỉ riêng thôn này hiện có trên 2ha sắn đang vụ thu hoạch. Vì đất đai vùng này “có tiếng” là cằn cỗi nên năng suất sắn không cao, trung bình chỉ đạt 7 - 8 tạ/sào. “Người dân chúng tôi nhổ chất đống được 10 ngày nhưng vẫn chưa bán được. Lúc bán thì thương lái trừ đi từ 10 - 15%, thôi cũng đành “ngậm bồ hòn” bán tháo chứ biết làm răng chừ” - bà Diệp nói. Theo người dân, chỉ cách đây hơn 1 tháng, giá sắn tươi khoảng 1.700 đồng/kg nhưng nửa tháng trở lại đây, giá sắn chỉ còn từ 900 - 1.200 đồng/kg. Đã đành, sắn lại còn hư thối do thiên tai nên sản lượng sụt giảm đáng kể.

Tại xã Quế Châu hiện có 292,2ha sắn đang vụ thu hoạch. Ông Lương Trọng Yến - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết diện tích sắn đang bị hư thối chiếm đến 30% và con số này có thể tăng lên nếu trong vài ngày tới trời vẫn còn liên tục mưa. “Vì không có thương lái tới gom mua nên một số hộ dân đành chặt nhỏ củ sắn tranh thủ nắng khi nào thì phơi khi ấy, rồi đem sấy dự trữ làm nguồn thức ăn chăn nuôi. Song vẫn không hiệu quả mấy vì sắn dễ bị meo mốc, các hộ có sản lượng nhiều thì không thể làm theo phương án này được” - ông Yến cho biết. Không chỉ riêng Quế Minh, Quế Châu mà ở nhiều địa phương khác như Quế Thuận, Quế An… nông dân cũng điêu đứng với cây sắn.

Chuyển đổi cây trồng

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn, địa phương có tổng 2.600ha đất canh tác cây sắn. Vụ này người dân trồng hơn 800ha, trong đó đã thu hoạch 500ha. Hầu hết người dân bán qua tay thương lái để cung cấp cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Công ty CP FOCOCEV Quảng Nam (đóng chân tại xã Quế Cường, Quế Sơn). Cứ vào vụ này lại xảy ra tình trạng ép giá dây chuyền gây khó khăn cho nông dân. Thương lái thì có cái lý riêng của họ, cho rằng do khó khăn trong việc nhập sắn nên mới xảy ra tình trạng không dám gom mua sắn cho người dân. “Giá cả còn phụ thuộc ở “trên”, xe chở 10 tấn nhưng họ trừ mất đi 3 - 4 tấn nên chúng tôi hạ giá cũng là lẽ đương nhiên” - một thương lái tên Ph. nói.

Một số hộ xắt sắn phơi nhưng bị meo mốc.Ảnh: P.V.H
Một số hộ xắt sắn phơi nhưng bị meo mốc.Ảnh: P.V.H

Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết vào thời điểm này do khó khăn từ Nhà máy Cồn ethanol (xã Đại Tân, Đại Lộc) nên nguồn nguyên liệu từ Đại Lộc cũng tập trung về Nhà máy chế biến tinh bột sắn Công ty CP FOCOCEV Quảng Nam, do đó xảy ra tình trạng sắn bị ứ đọng. Ông Chín cho biết: “Trong tuần tới, Phòng NN&PTNN huyện sẽ có lịch hẹn để làm việc với nhà máy sắn tìm phương án cam kết đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho nông dân chứ giá cả thả nổi như thế này thì thiệt cho nhà nông quá. Lúc thiếu nguyên liệu thì họ đẩy giá cao khiến nông dân ào ạt chuyển canh tác sang trồng sắn, còn khi dư thừa nguyên liệu thì hạ giá thê thảm”. Ông Chín nói thêm, địa phương có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng sắn không đem lại hiệu quả sang trồng keo tràm, nhằm mang lại lợi ích kinh tế ổn định hơn. “Khó khăn trong việc chuyển đổi này là trồng rừng phải quy hoạch vùng, đồng bộ chứ không thể trên một vùng đất mà người thì trồng sắn, người thì trồng rừng” - ông Chín nói.

PHẠM VĂN HÀO

PHẠM VĂN HÀO