Xoay xở với đất bỏ hoang - Bài 1: Bỏ ruộng hè thu

NGUYỄN VĂN SỰ 18/09/2013 08:37

Trong khi đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì ở nhiều nơi, nông dân phải bỏ hoang nhiều diện tích vì sản xuất không hiệu quả. Bài toán chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi trên những diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời giải căn cơ. Tình trạng sản phẩm nông nghiệp bấp bênh đầu ra vẫn chưa thể khắc phục. 

Do mặn liên tục xâm nhập nên lâu nay nhiều diện tích đất sản xuất lúa ở vùng đông huyện Điện Bàn phải bỏ hoang trong vụ hè thu.                                                                                   Ảnh: V.SỰ
Do mặn liên tục xâm nhập nên lâu nay nhiều diện tích đất sản xuất lúa ở vùng đông huyện Điện Bàn phải bỏ hoang trong vụ hè thu. Ảnh: V.SỰ

Do không có công trình thủy lợi, nước tưới thiếu hụt nghiêm trọng nên vụ hè thu vừa qua nhiều hộ dân đã bỏ ruộng.

Thiếu nước tưới triền miên

Dẫn tôi lội trên những đám ruộng khô cằn, ông Nguyễn Văn Công (thôn Phước Chánh, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn)  nói rằng, thời điểm này, ở nhiều nơi nhà nông đang hối hả phơi và đổ lúa vào ghè, còn tại vùng này, hàng loạt chân ruộng phải bỏ hoang. Ông Công có 2 sào đất lúa trên cánh đồng Cửa Đình. Do không có công trình thủy lợi nên lâu nay việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Ông cho biết, vụ đông xuân nhờ trời thường xuyên có mưa, gieo sạ được nên bình quân mỗi sào thu về chừng 250kg lúa khô, vụ hè thu vừa qua, do nắng nóng khốc liệt nên phải chấp nhận bỏ ruộng hoang vì chẳng biết tìm đâu ra nguồn nước để đổ ải.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, do điều kiện về tưới tiêu, thị trường gặp khó khăn, quá trình đô thị hóa… nên hiện nay có 7/18 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng một số nông dân bỏ hoang hóa diện tích đất sản xuất từ 1 - 2 năm; hoặc chỉ sản xuất 1 vụ, bỏ hóa 1 vụ; nghỉ thả nuôi tôm 1 năm với tổng diện tích hơn 577ha. Trong đó, đất lúa bỏ hoang hơn 2 năm trên 41,7ha, sản xuất 1/năm vụ gần 28,7ha (Núi Thành, Hội An, Tiên Phước, Hiệp Đức), chủ yếu là do thiếu nước, vùng trũng, nhiễm mặn; đất nuôi tôm hơn 535ha chủ yếu nghỉ 1 vụ năm 2013 ở các địa phương ven biển như Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên...

Ông Nguyễn Trường Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết, toàn xã có tổng cộng 272ha đất canh tác lúa. Vụ đông xuân, nhờ có nước trời nên nông dân xuống giống được toàn bộ diện tích, còn hè thu, do khô hạn kéo dài, trong khi đó hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên nhà nông chỉ gieo sạ được 100ha lúa, còn lại 172ha hoặc phải bỏ hoang hoặc chuyển sang trồng sắn và một số loại hoa màu khác. Theo ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn, ngoài xã Phú Thọ, thời gian qua tại nhiều địa phương khác của huyện cũng có nhiều diện tích đất sản xuất lúa bị bỏ hoang trong vụ hè thu. Ông Chín nói: “Theo thống kê, toàn huyện có 3.850ha đất lúa. Tuy nhiên, do thiếu hệ thống hồ chứa, đập dâng và kênh mương nên lâu nay vụ hè thu nào nông dân cũng bỏ hoang 880ha”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số diện tích đất lúa bị bỏ hoang nhiều nhất ở huyện Quế Sơn thuộc địa bàn xã Quế Hiệp, Quế Thuận, Quế Phong, Phú Thọ, Quế An, Quế Minh, Quế Long, Quế Châu.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua khảo sát tại nhiều vùng của huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Núi Thành, Phú Ninh, Điện Bàn, Bắc Trà My... cũng có khoảng 3.000ha đất lúa liên tục bỏ hoang trong vụ sản xuất hè thu vì nước tưới chủ yếu dựa vào trời hoặc bị ô nhiễm và xì mặn.

Thêm nhiều nông dân bỏ ruộng

Vụ hè thu 2013 tại thôn Tân Khai và Hà Quảng Tây (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn) có ít nhất 200 sào đất lúa bị bỏ hoang. Theo ông Nguyễn Thành Dũng - Phó ban Nông nghiệp xã, số diện tích này phần lớn bị nhiễm phèn, tập trung chủ yếu trên cánh đồng Hà Gia. Ông Dũng cho biết, trước đây cánh đồng Hà Gia nhận nguồn nước tưới từ trạm bơm Cẩm Sa nên ruộng lúa liên tục được thay chua rửa phèn, vì vậy năng suất thường đạt khá. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay do hệ thống kênh dẫn dài 5km của trạm bơm Cẩm Sa bị xuống cấp trầm trọng nên ngành thủy lợi cắt nguồn nước chảy về cánh đồng Hà Gia, chỉ ưu tiên phục vụ tưới cho các đồng lúa của xã Điện Nam Trung, Điện Ngọc, Điện Nam Bắc. Thay vào đó, UBND huyện Điện Bàn tiến hành lắp đặt một trạm bơm dã chiến trên cánh đồng Hà Gia để hút nước từ sông Cổ Cò lên tưới cho ruộng lúa ở khu vực này và các vùng lân cận thuộc xã Điện Dương. Thế nhưng, vụ hè thu, do nước từ thượng nguồn không chảy về nên nước trên sông Cổ Cò chủ yếu là nước tù, bị nhiễm phèn nghiêm trọng. Ông Dũng nói: “Đất nhiễm phèn, nước tưới cũng nhiễm phèn nên cây lúa sinh trưởng và phát triển rất kém. Do đó trong vòng 3 năm trở lại đây, vụ hè thu nào nông dân cũng đành chấp nhận bỏ hoang 200 sào đất lúa trên cánh đồng Hà Gia vì mùa màng liên tục thất bát”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Điện Dương có 125ha đất sản xuất lúa. Do phần lớn đất nghèo dinh dưỡng, nước tưới bấp bênh nên vụ đông xuân, nếu được mùa thì mỗi sào nông dân cũng chỉ thu về 200kg lúa khô. Ông Ngô Văn Thanh - một người dân địa phương nói: “Vụ đông xuân, bình quân một sào gặt được 200kg lúa khô, bán với giá 5.500 đồng/kg thì tổng giá trị thu được không quá 1,1 triệu đồng. Trong khi đó chi phí sản xuất đã tốn hết một triệu đồng. Hơn 3 tháng trời cần mẫn chăm sóc, rốt cuộc số lãi thu về trên mỗi đầu sào ruộng chỉ 100 nghìn đồng”. Đấy là nói chuyện được mùa chứ nếu mất mùa nghiêm trọng thì bình quân một sào ruộng nhà nông chỉ gặt được 50 - 100kg lúa khô. Điều đó đồng nghĩa với việc họ bị thâm hụt 450 - 725 nghìn đồng.

Ông Dũng cho biết thêm, do hiệu quả kinh tế mang lại quá thấp, thậm chí có lúc thua lỗ nặng nên những năm gần đây, tình trạng nông dân bỏ ruộng ở địa phương thường xuyên xảy ra. Thời gian qua danh sách nông dân bỏ ruộng ở xã Điện Dương ngày càng dài thêm, đến giờ này đã không dưới 100 hộ. Tình trạng ấy cũng đang xảy ra tại một số nơi khác thuộc vùng đông xứ Quảng, bởi cây lúa không thể giúp nhà nông trang trải cuộc sống gia đình và lo chuyện học hành của con cái. Trong khi đó, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp tại những khu, cụm công nghiệp liên tục mọc lên, đang cần công nhân từ lao động nông thôn và hứa hẹn sẽ mang lại cho họ nguồn thu nhập cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp... Ông Dũng nói: “Bám với ruộng đồng hơn 3 tháng ròng, nếu trúng mùa nhà nông chỉ lãi mỗi sào lúa 100 nghìn đồng. Trong khi cả vợ lẫn chồng chạy xe ra Đà Nẵng làm phụ hồ, trừ tiền đổ xăng và ăn uống xong mỗi ngày còn dư 240 nghìn đồng”.

NGUYỄN VĂN SỰ

NGUYỄN VĂN SỰ