Phước Sơn: Khai hoang đất trồng lúa nước
Bằng cách khai hoang, phục hóa diện tích trồng lúa nước, xã Phước Lộc (
Anh Lưu Huyền Thoại (áo màu sáng) đang cùng bà con đi thăm cánh đồng lúa nước. |
Phước Lộc là xã vùng cao, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, do đó vấn đề an ninh lương thực tại chỗ được lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Lưu Huyền Thoại - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết: “Với mong muốn giúp bà con có cuộc sống ổn định, đảm bảo lương thực tại chỗ, chúng tôi đã đề xuất ý kiến giúp người dân trồng lúa nước và nhận được sự đồng tình thống nhất của lãnh đạo xã. Bước đầu, xã đã trích 16 triệu đồng từ nguồn ngân sách tiết kiệm của xã để tiến hành khai hoang và cải tạo hơn 1ha đất ruộng lúa nước bị bỏ hoang ở các thôn, đồng thời tuyên truyền, vận động, giao đất và giúp bà con sản xuất lúa nước đạt hiệu quả”.
Hơn 50 đoàn viên thanh niên và cán bộ xã của xã Phước Lộc đã tình nguyện bỏ 3 ngày công tham gia xuống đồng ruộng cấy lúa, trong đó có cả Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc - Hồ Văn Thuần. Ông chia sẻ: “Thấy việc làm này rất có ý nghĩa với bà con mình nên khi được phát động, ban lãnh đạo xã chúng tôi hăng hái tham gia, đây là việc làm không ngoài mục đích cho bà con thấy hiệu quả của trồng lúa nước, từng bước giúp thay đổi dần tập quán canh tác manh mún, không hiệu quả của đồng bào vùng cao”.
Tham gia tích cực nhất phải kể đến đoàn viên thanh niên của xã. Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Bí thư Đoàn xã cho biết: “Khi phát động phong trào, thanh niên của xã hăng hái tham gia và đi đầu thực hiện. Bước vào vụ sản xuất lúa nước năm 2013, xã đã vận động đoàn viên thanh niên tập trung giúp dân làm ruộng nước. Số đất ruộng bỏ hoang vì thiếu nước của bà con thôn 5A, 8A, 8B được đoàn viên xã Phước Lộc phục hóa và bắt những ống lồ ô dẫn nước về cánh đồng. Giờ đây, nhìn những cánh đồng lúa xanh ngút ai nấy cũng đều vui mừng”.
Phước Lộc có gần 100% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác chủ yếu phát nương làm rẫy, đây là phương thức sản xuất có từ lâu đời, trở thành thói quen ăn sâu vào đời sống của bà con nên việc thiếu cái ăn luôn thường trực. Việc giúp đồng bào trồng lúa nước đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Ngoài việc chăm sóc tốt cây lúa, người dân dần biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như bón phân, chọn giống có năng suất cao để gieo trồng… Vụ đông xuân 2012 - 2013, năng suất lúa nước của các cánh đồng phục hóa ở đây bình quân đạt gần 40 tạ/ha, cao hơn nhiều so với cách trồng lúa truyền thống. Ông Hồ Văn Bia (thôn 8B, xã Phước Lộc) là hộ được hưởng lợi từ việc phục hóa ruộng nước này, tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi làm lúa rẫy không đủ ăn, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho 0,3ha đất sản xuất và hỗ trợ kỹ thuật trồng lúa nước, nhờ đó vụ đông xuân vừa rồi gia đình thu được hơn 1 tạ lúa. Sắp tới gia đình sẽ xin mở rộng thêm diện tích đất trồng lúa để có thể đảm bảo cuộc sống”. Ông Hồ Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết: “Trồng lúa nước đem lại lợi ích rất lớn cho bà con dân tộc thiểu số, trong thời gian tới xã sẽ chủ trương mở rộng thêm diện tích lúa nước ở các thôn còn lại. Theo nghị quyết của Đảng ủy, xã cũng phấn đấu tới năm 2015 sẽ ổn định và đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ”.
HOÀNG YÊN