Dự án sinh kế thủy điện Sông Bung 4: Hiệu quả chưa cao
Dự án phục hồi sinh kế cho các hộ bị ảnh hưởng bởi công trình thủy điện Sông Bung 4 tại Nam Giang vừa khép lại. Bên cạnh mặt tích cực, hiệu quả đem lại còn thấp so với kỳ vọng.
Việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào tại Nam Giang trở nên cấp thiết. Ảnh: H.LIÊN |
Trách nhiệm cộng đồng
Trong vòng 5 năm (2009-2013), “Dự án phục hồi sinh kế cho các hộ bị ảnh hưởng bởi công trình thủy điện Sông Bung 4 huyện Nam Giang” đã tổ chức gần 40 đợt tập huấn nâng cao kỹ năng cho cán bộ thuộc ban điều hành; tập huấn kỹ thuật sản xuất và chăn nuôi cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi thủy điện, thu hút 3.000 lượt người tham gia. Theo đó, các hộ dân thuộc thôn 2, Pà Rum A, Pà Rum B, Pà Đhí và thôn Pà Păng, Pà Dấu 2 thuộc 2 xã Zuôih và Tà Pơơ đã được triển khai, tập huấn nhiều mô hình trình diễn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Ngoài ra, dự án còn trực tiếp hỗ trợ, cung cấp giống cây trồng, con vật nuôi, phân bón, dịch vụ thú y trọn gói để bà con ổn định và phát triển kinh tế tại nơi ở mới.
Giai đoạn 2009-2013, nhiều mô hình chăn nuôi bò sinh sản, cấp ngan giống, hỗ trợ mô hình nuôi cá trong ao… cho các thôn bị ảnh hưởng bởi thủy điện đã được triển khai. Theo thống kê, có 122 bò giống, 120 ngan giống bố mẹ được hỗ trợ về các thôn; 1.600kg cá giống, 1.600kg thức ăn ban đầu, 1.600kg vôi cải tạo ao nuôi được hỗ trợ cho 18 hộ tham gia mô hình tại 2 thôn Pà Păng và Tà Pơơ, trên diện tích 3.500m2 mặt nước… Về lĩnh vực trồng trọt, dự án đã cung cấp hạt giống đậu đen và một số vật tư cần thiết như phân bón, thuốc trừ sâu để hỗ trợ bà con thực hiện mô hình trồng thâm canh cây đậu đen. Bên cạnh đó, mỗi hộ còn nhận được hỗ trợ 2,5 triệu đồng để có điều kiện tham gia mô hình. Năm 2011, các thôn trên tiếp tục thực hiện mô hình trình diễn thâm canh giống đậu đen. Theo khảo nghiệm, so với năm 2010 năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/ha. Năm 2012, 61 hộ tại các thôn Pà Rum A, Pà Rum B, Pà Đhí tiếp tục trồng đậu trên đất rẫy vụ đông xuân 2011-2012. Đông xuân 2012-2013, 145 hộ dân vùng bị ảnh hưởng tiếp tục tham gia mô hình trồng đậu trên đất rẫy, hơn 1.000kg đậu giống được cấp phát vụ này. Ngoài ra, người dân còn tham gia vào các mô hình thâm canh lúa nước, trồng bắp trên đất rẫy, trồng chuối... “Bên cạnh hỗ trợ nông nghiệp, nhiều hoạt động phi nông nghiệp được xúc tiến như: chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe, đào tạo bằng lái xe hạng B2 cho bà con, đưa các hộ thực hiện mô hình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại Sơn La, Đại Lộc, Đông Giang” - ông Nguyễn Trường Tâm, Phó ban Điều hành Dự án sinh kế thủy điện Sông Bung 4 huyện Nam Giang cho biết.
Hiệu quả chưa cao
Có thể thấy, việc hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bước đầu đã thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng của Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4. Nhìn chung, các mô hình chăn nuôi đạt kết quả nhất định, có nhiều mô hình đã đi vào giai đoạn sinh sản. Các mô hình giúp bà con thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức, kỹ thuật chăn nuôi và kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, góp phần tăng chất lượng đời sống. Tuy nhiên, tại một số nơi, dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi cùng với việc chăm sóc không đảm bảo của người dân dẫn đến vật nuôi bị chết, không duy trì được hiệu quả mô hình. Đầu năm 2013 dự án đã khép lại nhưng hiệu quả đem lại chưa cao.
Ông Nguyễn Trường Tâm nhìn nhận, theo kế hoạch, Ngân hàng ADB giải ngân khoảng 1,2 triệu USD, nhưng tiến độ giải ngân quá chậm, hiện chỉ mới đạt 5,3 tỷ đồng, tương đương 261,5 nghìn USD, tức chỉ bằng 21,8% dự kiến. Khâu giải ngân rườm rà, trải qua nhiều khâu trung gian, vốn ứng mỗi đợt quá thấp… là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện dự án. Yếu tố nữa là tổ chức tư vấn CHF thay đổi nhân sự liên tục, nhân sự lại không đảm bảo khiến ban điều hành dự án huyện gặp khó khăn trong việc thực hiện. “Việc cải thiện sinh kế thực hiện song song với việc xây dựng thủy điện Sông Bung 4 là không phù hợp. Hiện chỉ có 2 thôn ở xã Tà Pơơ hoàn thành tái định cư. Khi dự án kết thúc mà việc tái định cư vẫn chưa thực hiện xong là khó khăn không nhỏ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và duy trì hiệu quả dự án” - ông Tâm nói.
Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là do địa bàn Nam Giang phức tạp, đường giao thông ở xã Zuôih còn khó khăn, cách trở, nhất là thôn Pà Păng. Hơn nữa, thời tiết thất thường, mưa lũ kéo dài làm cán bộ khó tiếp cận địa bàn, khó quản lý, kiểm soát tiến độ dự án dẫn đến hiệu quả thấp. Vì đây là dự án được tổ chức đầu tiên nên ban điều hành huyện còn thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong thực hiện, quản lý. Ông Tâm cho biết, một khó khăn lớn nữa là trình độ nhận thức của người dân vùng dự án còn thấp, bà con có tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên sau khi đã tham gia lớp tập huấn, tiếp nhận giống cây trồng, con vật nuôi, họ chăm sóc thiếu chu đáo khiến các mô hình không đem lại hiệu quả như kỳ vọng.
HOÀNG LIÊN