Chương trình cho hộ cận nghèo vay vốn: Cơ hội thoát nghèo bền vững
Chủ trương cho vay hộ cận nghèo chính là cơ hội để người dân thoát nghèo, nhưng quan trọng hơn vẫn là chuyện làm gì để sử dụng đồng vốn vay hiệu quả?
Hộ cận nghèo cần vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: LAM LÊ |
Hộ cận nghèo thiếu vốn
Ông Nguyễn Văn Xê ở thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) làm thợ xây dựng tự do, mỗi tháng thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng. Nhà có 5 nhân khẩu, 3 con đi học, vợ không có việc làm nên luôn lâm vào cảnh khó khăn. Theo quy định của Nhà nước, gia đình ông chỉ thuộc diện hộ cận nghèo vì có thu nhập bình quân trên 400 nghìn đồng/người/tháng. Gia đình ông không được hưởng các chính sách, ngoài việc được hỗ trợ 70% chi phí đóng bảo hiểm y tế, nhưng ông vẫn không có đủ tiền để nộp 30% còn lại cho các thành viên gia đình. Ông Xê nói, chỉ cần ốm đau ít ngày, không làm thuê được thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Vì thế, nhiều lúc muốn tận dụng đất vườn, vay vốn để vợ trồng trọt, chăn nuôi tăng thêm nguồn thu nhập nhưng vì không thể tiếp cận được với các ngân hàng bởi không tài sản thế chấp, không đủ “uy tín” và cũng không biết thủ tục vay như thế nào…
UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; chủ động đính chính, bổ sung kịp thời vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương để được vay vốn và kịp thời giải ngân nguồn vốn từ ngân hàng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam cũng đã đề nghị các địa phương cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là 4 tổ chức hội nhận ủy thác, đồng thời đẩy mạnh về phương thức sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm cho các hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tạo điều kiện giúp hộ cận nghèo giảm bớt khó khăn ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Phía Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam sẽ nhanh chóng tập trung phổ biến nội dung Quyết định 15 đến cơ sở, phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác tổ chức họp tổ tiết kiệm & vay vốn ở từng thôn bản để bình xét hộ cận nghèo được vay vốn, hướng dẫn thủ tục… |
Tình cảnh như ông Xê hiện rất nhiều ở Quảng Nam. Nhiều người dân không thể tìm được con đường nào để có thể thay đổi hoàn cảnh khó khăn vì thiếu vốn. Theo kết quả điều tra hồi cuối năm 2012, Quảng Nam có đến 69.344 hộ nghèo (17,93%) và 50.993 hộ cận nghèo (13,18%). Kết quả này cho thấy, mặc dù đã có gần 51.000 hộ đã thoát nghèo nhưng sống giữa thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra như Quảng Nam thì khả năng tái nghèo sẽ rất cao. Một cuộc khảo sát khác công bố rằng những năm qua, đã có từ 30 - 35% hộ cận nghèo sau vài năm lại tái nghèo, dẫn đến tỷ lệ điều tra vẫn giữ mức 22% sau từng giai đoạn 5 năm. Đơn cử, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo Quảng Nam chỉ còn 12,2% so với 26,65% của năm 2005, nhưng điều tra theo chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2011-2015) thì tỷ lệ hộ nghèo lại tăng lên (năm 2011 là 20,9%).
Những con số thống kê ấy chỉ ra rằng, tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng vẫn chưa thực sự bền vững sau nhiều giải pháp hỗ trợ của Nhà nước. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Đào Bội Thuyên nói, hiện có quá nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau dẫn đến manh mún, dàn trải, hiệu quả không cao. Người nghèo được nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo. Trong khi hộ cận nghèo thì không được hưởng chính sách gì và khả năng tái nghèo của những hộ này rất cao. “Phải có chính sách ưu đãi thêm cho hộ cận nghèo để họ thoát nghèo bền vững. Nên có chính sách khen thưởng đối với mỗi hộ thoát nghèo, không tái nghèo và chính sách khen thưởng đối với thôn, bản giảm nghèo nhanh và bền vững” - ông Thuyên nói.
Cơ hội thoát nghèo bền vững
Cũng theo ông Thuyên, Hiệp Đức có số hộ cận nghèo trên 2.500 hộ (chiếm tỷ lệ 24%) nhưng gần như chưa có chính sách ưu tiên nào. Việc vay vốn của số hộ này gần như bế tắc vì các tổ chức tín dụng khác rất ngại đầu tư, khả năng tái nghèo rất cao. Chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn là cơ hội để huyện tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững. Chính quyền huyện sẽ chỉ đạo UBND các cấp phối hợp với ngân hàng chính sách tổ chức thực hiện tốt chương trình tín dụng ưu đãi mới này của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Thuyên cũng cho rằng, mức đầu tư cho vay 30 triệu đồng/hộ cận nghèo, bằng mức cho vay hộ nghèo là thấp, lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất hộ nghèo (khoảng trên 10% trên năm) tuy không lớn nhưng trong điều kiện mặt bằng lãi suất chung đang giảm thì cần phải xem xét.
Nỗi ưu tư của ông Thuyên cũng chính là sự khó khăn đã gần như lưu cữu nhiều năm ở bộ phận người cận nghèo và của chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, khi Quyết định 15 về tín dụng đối với hộ cận nghèo ra đời, nhằm cụ thể hóa quy định của Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ “Về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” được công bố, đã thổi một luồng sinh khí đầy hy vọng cho những người dân khó khăn nắm lấy cơ hội thoát nghèo một cách bền vững hơn. Theo ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam, sau khi có Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của ngân hàng cấp trên, trên cơ sở số hộ cận nghèo toàn tỉnh đã thống kê, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm & vay vốn xác định số hộ cận nghèo cần có nhu cầu vay vốn, số hộ đang còn dư nợ từ chương trình cho vay hộ nghèo để xây dựng kế hoạch tín dụng chung cho toàn tỉnh. Tổng nhu cầu vốn của chương trình trên địa bàn Quảng Nam là 203 tỷ đồng. Hiện chi nhánh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ 35 tỷ đồng năm 2013 từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phân cho chi nhánh về các huyện, thành. “Nỗ lực của cơ quan tín dụng và quan trọng hơn hết vẫn là sự lồng ghép việc cho vay với chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn sản xuất để hộ cận nghèo vay vốn sử dụng đồng vốn hiệu quả… thì mới có thể góp phần thoát nghèo bền vững” - ông Lam nói.
Lam Lê