Chìm nổi sản phẩm cau
Bao năm gắn bó với cây cau nhưng người trồng cau ở Tiên Lãnh (Tiên Phước) vẫn đang loay hoay với việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Vườn cau ở Tiên Lãnh. Ảnh: H.G |
Xứ sở của cau
Tiên Lãnh được xem là xứ sở của cau. Cây cau phủ kín khắp các vườn nhà, “ăn đời ở kiếp” với người dân nơi đây từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều người còn nhớ trong lúc chiến tranh ác liệt, làng mạc bị bom đạn cày xới, tàn phá tiêu điều, nhiều vườn cau cũng xác xơ, ấy vậy ngay sau khi ổn định cuộc sống, người dân lại trồng cau, chăm cau. Gắn bó với cây cau và chứng kiến bao lần giá trái cau rớt thảm hại nhưng chưa khi nào người dân có ý định quay lưng, phá bỏ cau đi để tìm trồng một giống cây có giá trị kinh tế hơn. Ông Trương Công Nhựt (thôn 5, xã Tiên Lãnh) tâm tình: “Những năm qua giá cau không được ổn định, có thời điểm thương lái không đến mua khiến trái cau ế ẩm, chín rụng đỏ vườn nhà. Nhưng không vì thế mà người dân đốn bỏ cau đi. Ở đất này người với cau có “tình nghĩa” rất sâu nặng. Hằng năm gia đình tôi trồng thêm khoảng trăm gốc cau trong vườn, khi nào trồng kín hết đất vườn thì tôi sẽ trồng ra đất rẫy”.
Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cau thẳng tít tắp trên gần 10 sào đất, ông Nguyễn Văn Tiên (thôn 3, Tiên Lãnh) chẳng còn nhớ trong vườn có bao nhiêu thân cau. Ông Tiên nói chuyện với chúng tôi mà như đang tự tình với những thân cau lặng yên, u tịch dưới trời chiều: “Sau chiến tranh, mảnh vườn này chỉ còn có 3 cây cau nguyên vẹn. Từ 3 cây này, gia đình nhân giống trồng kín khu vườn. Ở xứ núi này chưa có ai trồng cau mà trở nên giàu sang, nhưng còn gắn bó với cây cau thì không phải lo cái đói”. Cách đây vài năm, giá cau đạt mức kỷ lục từ 12 nghìn đồng/kg, rồi vọt lên 16 nghìn đồng/kg khiến người trồng cau địa phương nức lòng bởi thu nhập khấm khá. Và thế là người ta đổ xô trồng cau. Sau bận đó, giá cau rớt thê thảm, rồi cứ lẹt đẹt khiến ai nấy đều thất vọng. Mới năm rồi giá cau đạt mức 7 nghìn đồng/kg đã nhen nhóm hy vọng về giá trị của cây cau vào mùa tới. “Giá cau nhiều lúc khiến người trồng méo mặt, nhưng hằng năm họ vẫn trồng thêm những đợt cây mới với hy vọng rồi mai này cây cau sẽ được khẳng định về mặt giá trị kinh tế và có cái danh phận hẳn hoi không thua kém cây thanh trà, cây lòn bon của xứ núi Tiên Phước” - ông Tiên chia sẻ.
Khó tìm đầu ra
Ông Trương Công Nhựt cho biết, cứ đến mùa thu hoạch cau, nếu thấy người ta đến thuê mảnh đất trống ở đầu thôn dựng lên lán trại, đắp lò xông cau thì người trồng cau địa phương có thể yên tâm giá cau mùa này không đến nỗi. “Nhiều bận tôi lân la đến trại làm quen, hỏi thăm dò thị trường tiêu thụ thì các thợ làm cho biết cau được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn qua đó người ta dùng làm vào việc gì chịu. Tôi nghĩ cần có sự liên kết giữa các hộ trồng cau của địa phương, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng để tìm đầu ra cho cây cau. Có như vậy thì giá trị kinh tế của cây cau mới được khẳng định và ổn định” - ông Nhựt nói. Cùng quan điểm với ông Nhựt, ông Võ Tấn Lắm (thôn 4, Tiên Lãnh) bày tỏ: “Bao năm nay, việc tìm đầu ra cho cây cau vẫn luôn là nỗi trăn trở của người dân địa phương. Còn “bí” đầu ra, còn phụ thuộc vào thương lái thì cây cau còn bị ép giá. Nếu tìm được đầu ra cho cây cau của địa phương thì nhất định giá trị kinh tế mang lại không nhỏ. Bởi cây cau không đòi hỏi chi phí chăm trồng đáng kể như các loại cây khác. Việc trồng cau của địa phương cũng sẽ được tổ chức quy củ hơn”.
Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh - ông Lê Minh Sơn nhìn nhận, Tiên Lãnh là địa phương có diện tích trồng cau lớn của huyện Tiên Phước. Giải được bài toán đầu ra cho cây cau cũng góp phần giải quyết bài toán thoát nghèo bền vững cho người dân. Địa phương có thêm nguồn lực để xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng thổ nhưỡng và truyền thống trồng cau. “Chúng tôi rất mong có sự quan tâm hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, để cùng tìm lời giải cho bài toán này, chứ bao bận chứng kiến giá cau “chìm nổi” khiến ai nấy rất xót lòng…” - ông Sơn nói.
HÀN GIANG - VINH ANH