Khấm khá nhờ trồng nấm rơm

HÀN GIANG 07/05/2013 08:45

Phụ nữ thôn Phú Nam Bắc (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) hầu như không có thời gian nông nhàn. Xong việc đồng áng họ lại xoay sang trồng nấm rơm. Nhờ vậy, nhiều hộ trở nên khấm khá…

Vụ thu hoạch lúa bước vào giai đoạn nước rút thì trên nhiều cánh đồng của thôn Phú Nam Bắc người dân lại hối hả phơi phóng rơm rạ cho kịp nắng để chất trữ phục vụ cho việc trồng nấm. Tại nhiều gia đình, công việc ủ rơm, trồng nấm cũng được thực hiện tất bật. Ông Bùi Văn Côi - một người sản xuất nấm rơm ở thôn Phú Nam Bắc cho biết, nghề trồng nấm rơm xuất hiện ở làng khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Ban đầu chỉ có 3 hộ tham gia và cũng chỉ trồng theo kiểu vừa trồng vừa học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, đến nay nghề làm nấm rơm đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người.

Xử lý rơm trước khi ủ cấy meo nấm rơm. Ảnh: H.G
Xử lý rơm trước khi ủ cấy meo nấm rơm. Ảnh: H.G

“Tận dụng phế phẩm nông nghiệp là rơm nên nông dân không còn đốt rơm ngoài đồng ruộng, rồi hình thành thói quen sử dụng chất thải là rơm (đã qua các công đoạn xử lý kháng khuẩn) sau mỗi đợt trồng nấm để bón ruộng. Nhờ đó, đất ruộng ngày càng được cải tạo tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, nông dân giảm đáng kể lượng phân bón vô cơ, tiết kiệm chi phí nông nghiệp” - ông Côi chia sẻ. Ông Côi cho biết thêm, nghề trồng nấm cho gia đình ông mức thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng. Còn chị Nguyễn Thị Tịch (một người dân địa phương) thổ lộ: “Từ khi cây nấm rơm khẳng định được vị trí trong kinh tế nông hộ địa phương thì chị em phụ nữ chẳng bao giờ ngơi tay. Hết việc đồng áng thì phụ nữ quay sang nghề trồng nấm. Nhờ đó, chị em có mức thu nhập ổn định”.

Chúng tôi đến khi vợ chồng anh chị Đỗ Quang Hòe (thôn Phú Nam Bắc) đang chuẩn bị xử lý, ủ cấy meo nấm cho nhã rơm thứ hai. Năm nay vợ chồng anh Hòe quyết định thuê đất của hộ dân sống bên cạnh để mở rộng diện tích trồng nấm. Anh Hòe cho biết, hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng nấm nên tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm và rất tự tin để gắn bó với nghề. Hiện nay, nghề làm nấm rơm cho gia đình anh mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, cũng như nhiều hộ trồng nấm trong thôn, anh bày tỏ mong muốn có sự liên kết để thành lập câu lạc bộ trồng nấm của thôn. Thông qua câu lạc bộ, các hộ trồng nấm sẽ tổ chức sinh hoạt định kỳ để cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm các giải pháp hướng đến quy mô phát triển sản phẩm nấm rơm của địa phương thành thương hiệu và bền vững. “Nghề trồng nấm của địa phương trên đà phát triển mạnh thì chúng tôi cũng đang đối mặt với thách thức về đầu ra cho sản phẩm. Nếu không có liên kết, không tìm đầu ra ổn định cho nấm thì rất có thể nghề trồng nấm của địa phương rồi sẽ rơi vào tình cảnh bị ép giá dẫn đến thua lỗ và phải bỏ nghề” - anh Hòe tâm sự.

Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết: “Nghề trồng nấm rơm phát triển tại hai thôn Phú Nam Bắc và Phú Nam Đông với hàng chục hộ tham gia. Qua đó, góp phần giải quyết bài toán lao động nông nhàn của địa phương, nhất là đối với lực lượng lao động nữ. Phát triển cây nấm theo quy hoạch và hướng đến xây dựng thành thương hiệu, đảm bảo yếu tố bền vững đang là vấn đề được địa phương quan tâm hiện nay”.

HÀN GIANG

HÀN GIANG