Hơn 996 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp từ nguồn vốn ODA

VĂN SỰ 18/04/2013 20:03

(QNO) - Hôm nay 18.4, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam do ông Trần Xuân Vinh – Phó trưởng đoàn dẫn đầu đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT xung quanh việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn ODA cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.

ừ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn ODA và đối ứng, toàn tỉnh đã làm mới, nâng cấp, sửa chữa 92 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài gần 265 km.
Từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn ODA và đối ứng, toàn tỉnh đã làm mới, nâng cấp, sửa chữa 92 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài gần 265 km.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2006-2012, ngành nông nghiệp tỉnh được giao làm chủ đầu tư thực hiện 5 dự án ODA với tổng số vốn hơn 996 tỷ đồng, gồm: dự án phát triển tỉnh Quảng Nam, dự án khu neo đậu tàu cá An Hòa, tiểu dự án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Phú Ninh, dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung tại Quảng Nam, dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3). Theo ông Muộn, các dự án vừa nêu được triển khai đầu tư xây dựng phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thi công 5 dự án trọng điểm này, chủ đầu tư đều thực hiện nghiêm việc đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, giám sát theo đúng quy định. Đơn vị tư vấn luôn bám sát nhiệm vụ, đôn đốc các nhà thầu thi công theo trình tự, đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn trong lao động, đúng hồ sơ thiết kế và không gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn.

Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, nguồn vốn đối ứng thường giải ngân chậm so với yêu cầu hoặc không đạt tỷ lệ theo như cam kết trong hiệp định. Vì vậy, cần phải xây dựng sẵn một cơ chế vốn đối ứng khả dĩ được các nhà tài trợ chấp nhận và phù hợp với điều kiện trong nước cũng như từng địa phương có dự án để khi có chủ trương đầu tư là có thể vận hành ngay. Thực tế cho thấy, phần lớn các dự án, đầu giai đoạn triển khai thường chưa nhận được nguồn vốn vay, do đó đề nghị cho tạm ứng ngân sách tỉnh để thực hiện trước các hạng mục cần thiết nhằm đảm bảo kịp tiến độ. Về chiến lược lâu dài, nên cân nhắc tổng nguồn vốn vay ODA với khả năng phát triển kinh tế trong nước. Trong đó, chỉ vay để đầu tư vào những mục tiêu có tính chiến lược cực kỳ quan trọng mà khả năng nguồn lực trong nước không đảm đương được, tiến dần đến việc hạn chế vay ODA để một mặt giải quyết được các khoản nợ đến hạn thanh toán, một mặt giảm lệ thuộc trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị và tăng cường sự tự chủ về nguồn nội lực đất nước...

VĂN SỰ

VĂN SỰ