Hiệu quả của phân bón nội

MAI NHI - ĐOÀN ĐẠO 15/04/2013 09:13

Từ chương trình trồng lúa khảo nghiệm sử dụng phân bón NPK Năm Lá được sản xuất trong nước do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện, nhiều nông dân xứ Quảng bắt đầu tin dùng các loại phân bón nội địa vì giá thành rẻ hơn và quan trọng là chất lượng không thua kém gì phân nhập khẩu từ nước ngoài...

Nhiều ưu việt

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng thôn Phú Trung (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành), lão nông Mai Nhĩ - một người dân địa phương, nói: “Bên kia là 3 sào lúa tôi sử dụng phân bón NPK nhập khẩu từ Philippines, còn đây là 3 sào lúa tôi sử dụng phân bón NPK Năm Lá được sản xuất trong nước. Nhìn chung, 2 loại phân này không khác biệt mấy nhưng theo so sánh của tôi thì khi dùng phân bón nội địa, cây lúa có lá xanh tốt, số nhánh lại đẻ nhiều hơn mà sâu bệnh cũng ít gây hại”. Vụ đông xuân 2012 - 2013 này, 6 sào ruộng của ông Nhĩ được Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam chọn sản xuất khảo nghiệm để có cơ sở đánh giá hiệu quả giữa việc sử dụng phân bón NPK Năm Lá sản xuất trong nước với phân bón nhập ngoại.

Tham quan mô hình trình diễn tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành.            Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Tham quan mô hình trình diễn tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Ông Nhĩ cho biết thêm, ông được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn chia đôi diện tích canh tác 6 sào lúa theo 2 phần thí nghiệm và đối chứng bằng giống lúa HT1, sử dụng quy trình bón phân khoa học do Sở NN&PTNT xây dựng. Với mỗi sào lúa của mô hình trình diễn, ông bón lót 4kg phân NPK và bón thúc lần đầu 3kg NPK. Qua theo dõi sinh trưởng của cây lúa, ông nhận thấy những chân ruộng được bón phân NPK Năm Lá đều có lá xanh vừa phải trong suốt quá trình phát triển, không bị vàng hay xanh không đều. Đặc biệt, cây lúa đẻ nhánh khỏe và rất cứng cáp. Đến ngày gần thu hoạch, trung bình chiều cao của cây lúa bón phân NPK Năm Lá khoảng 99cm, cao hơn so với cây lúa bón phân NPK nhập khẩu từ Philippines gần 1cm. Số cây hữu hiệu sau khi lúa trổ trên ruộng trình diễn đều đạt 320 cây/m2, trong khi đó ruộng lúa bón phân ngoại chỉ đạt 310 cây/m2. Đặc biệt, số hạt chắc của ruộng lúa thí nghiệm bón phân NPK Năm Lá đạt 110 hạt/bông, còn ruộng đối chứng chỉ đạt 104 hạt/bông. Ông Nhĩ đánh giá: “Nhờ giá phân bón NPK nội địa thấp hơn giá phân ngoại 2.000 đồng/kg, trong khi đó năng suất lúa trình diễn lại cao hơn đối chứng 10 - 15% nên trong vụ đông xuân này bình quân 1 sào lúa làm khảo nghiệm cho gia đình tôi lãi ròng cao hơn 100 nghìn đồng so với lúa đối chứng bón phân NPK nhập ngoại. Với nhà nông, khoản tiền ấy là không phải nhỏ”.

Khuyến khích sử dụng phân bón nội

Trước hiệu quả thiết thực đó, ông Nhĩ dự tính những vụ tới ông sẽ tiếp tục dùng phân bón sản xuất trong nước để thâm canh lúa. Cùng quan điểm với ông Nhĩ, lão nông Phan Ba ở thôn Phước Mỹ (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) chia sẻ: “Lần trồng khảo nghiệm này tôi thấy phân bón NPK nội địa tốt hơn nhiều so với những vụ trước thường sử dụng phân ngoại. Thực tế cho thấy, ruộng lúa trình diễn rất cứng cây, lá xanh đều chứ không đậm, lại ít bị lép hạt và kháng được nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm, nhất là rầy nâu, bọ trĩ, rầy lưng trắng, bọ xít đen, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, khô vằn. Không chỉ sản lượng nhích lên mà mỗi sào lúa dùng phân bón trong nước còn giúp nhà nông tiết kiệm được vài chục nghìn đồng so với việc sử dụng phân bón nhập ngoại”.

Ông Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam cho biết, vụ đông xuân này đơn vị phối hợp với Công ty CP Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng triển khai khảo nghiệm mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón NPK Năm Lá sản xuất trong nước so sánh với việc sử dụng phân bón NPK nhập khẩu từ nước ngoài để đánh giá hiệu quả thông qua các chỉ tiêu về hiệu ứng cây khỏe, năng suất, chi phí đầu tư và lãi ròng... Công tác khảo nghiệm được thực hiện trên 20 sào đất tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), xã Bình Tú (Thăng Bình) và xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) với phương pháp chia đôi diện tích trồng lúa sử dụng 2 loại phân NPK khác nhau (nội địa và ngoại nhập) nhưng chung một quy trình bón cả về khối lượng và thời gian rải phân. Theo báo cáo kết quả sản xuất tại 3 điểm khảo nghiệm vừa nêu, ưu điểm của việc sử dụng phân bón NPK trong nước thể hiện rõ hơn ở các yếu tố: lá xanh đều hơn, số dảnh lúa nhiều hơn, tỷ lệ hạt chắc trên một bông cao hơn, dịch hại cũng ít xảy ra hơn nên hầu hết nông dân tham gia các mô hình trình diễn đều an tâm khi thấy cây lúa sinh trưởng tốt và cho năng suất khá.

Tại cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả các mô hình trình diễn, nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng phân bón NPK Năm Lá sản xuất trong nước sẽ giảm được 280 nghìn đồng chi phí đầu tư cho 1ha lúa so với việc dùng phân ngoại nhập, trong khi chất lượng phân nội vẫn đảm bảo để cây lúa sinh trưởng tốt, cho năng suất cao hơn so với phân nhập ngoại. Theo ông Định, từ những yếu tố này, khi tiến hành thu hoạch nhà nông sẽ có mức lợi nhuận nhiều hơn 1,5 triệu đồng/ha lúa nếu sử dụng phân bón NPK trong nước thay cho phân bón của nước ngoài. Ông Định nói: “Thành công của những mô hình đầu tiên là cơ sở để trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương khuyến khích nông dân sử dụng phân bón nội địa thay cho phân bón nhập khẩu, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hơn nữa, với chi phí đầu tư thấp hơn thì dĩ nhiên nông dân sẽ nâng cao được giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, đó cũng chính là mục đích của chúng tôi khi tiến hành chương trình khảo nghiệm này”.

MAI NHI - ĐOÀN ĐẠO

MAI NHI - ĐOÀN ĐẠO