Tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho đàn vật nuôi: Quá chậm!

VĂN SỰ 04/04/2013 08:32

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, cuối tháng 3 sẽ kết thúc việc tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2013 cho đàn gia súc, gia cầm. Thế nhưng, thời điểm này tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn rất thấp.

Đến nay mới chỉ có 6/8 huyện thành phố triển khai tiêm vắc xin ngừa cúm   A/H5N1.   Ảnh: V.S
Đến nay mới chỉ có 6/8 huyện thành phố triển khai tiêm vắc xin ngừa cúm A/H5N1. Ảnh: V.S

Chỉ đạo quyết liệt

Theo cơ quan chuyên môn, từ năm 2004 đến nay trên địa bàn tỉnh có 530 nghìn con gia cầm và 170 nghìn con gia súc các loại bị chết, phải tiêu hủy bắt buộc vì nhiễm dịch tai xanh, cúm A/H5N1, bệnh lở mồm long móng, phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả... Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, sở dĩ đàn vật nuôi liên tục bị các loại dịch bệnh nguy hiểm tấn công là do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không đảm bảo vệ sinh, chất lượng con giống kém, khâu phun tiêu độc không được duy trì thường xuyên, công tác kiểm soát, kiểm dịch còn lỏng lẻo. Đặc biệt, tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm được tiêm vắc xin phòng dịch đạt quá thấp là nguyên nhân chính dẫn đến những thiệt hại lớn.

Kéo dài thời gian tiêm phòng vắc xin đợt 1 đến ngày 15.4

Ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, đơn vị vừa đề nghị các địa phương tập trung tối đa vắc xin, nhân lực, phương tiện tiếp tục triển khai tiêm bổ sung cho những đàn gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm phòng bắt buộc. Phấn đấu từ nay đến 15.4 phải tiêm dứt điểm đợt 1 năm 2013, vì đầu tháng 5 tới là phải lo tiêm phòng dại chó. Bởi, thời gian gần đây tại các tỉnh phía Bắc có nhiều trường hợp bị chết do chó dại cắn nên Bộ NN&PTNT vừa chỉ đạo các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước phải thực hiện triệt để việc tiêm phòng cho đàn chó.

Theo ngành thú y tỉnh, hiện nay toàn tỉnh chỉ có huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Duy Xuyên và TP.Tam Kỳ triển khai tiêm vắc xin phòng dịch cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 3,2 triệu con gia cầm của 6 địa phương này, mới có 167.700 con được tiêm phòng. 

Hiện tại, Quảng Nam có khoảng 747 nghìn con gia súc và gần 5 triệu con gia cầm các loại. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn do Sở NN&PTNT xây dựng. Theo đó, đợt 1 của chiến dịch này bắt đầu triển khai từ ngày 1.2 và kết thúc vào 31.3.2013. Trong quá trình thực hiện, đặc biệt lưu ý tiêm phòng đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và 3 bệnh đỏ dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn ở heo với yêu cầu phải đạt tỷ lệ cao theo quy định. Riêng các địa phương thuộc Chương trình quốc gia khống chế bệnh lở mồm long móng gia súc giai đoạn 2011-2015 phải tiêm phòng đạt tỷ lệ 80% so với tổng đàn... Để công tác tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2013 mang lại hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã yêu cầu ngành liên quan và các địa phương phải thực hiện đúng thời gian quy định. Đồng thời, chủ động cung ứng lượng vắc xin cần thiết và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiêm phòng. Cạnh đó, tập trung tuyên truyền đến tận hộ chăn nuôi về kế hoạch tiêm vắc xin phòng dịch đối với các loại bệnh bắt buộc.

Chậm triển khai

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Đại Lộc có tổng cộng 14.151 con trâu, bò thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc. Thế nhưng, tính đến cuối tháng 3 tại địa phương này mới chỉ có gần 5% tổng đàn trâu, bò được tiêm vắc xin phòng dịch lở mồm long móng và 7% được tiêm vắc xin tụ huyết trùng. Trong số 60.375 con heo thì cũng mới có 9% được tiêm vắc xin tụ huyết trùng, 10% tiêm vắc xin dịch tả, 9% tiêm vắc xin phó thương hàn, còn vắc xin lở mồm long móng thì chưa thực hiện. Thời gian qua hàng trăm nghìn con gia cầm ở Đại Lộc cũng không được tiêm vắc xin ngừa dịch cúm A/H5N1.

Ông Phan Thanh Thiên – Trưởng trạm Thú y Đại Lộc nói: “Do lúc bắt đầu triển khai chiến dịch này đã cận kề tết, hơn nữa từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 dương lịch dịch tai xanh trên đàn heo bùng phát mạnh tại nhiều địa phương nên chúng tôi phải dốc toàn bộ lực lượng để thực hiện các biện pháp khống chế, dập tắt dịch. Vì vậy, việc tổ chức tiêm vắc xin phòng các loại dịch khác bị chậm trễ, dẫn đến tỷ lệ đạt thấp. Đây là nguyên nhân khách quan”. Ông Thiên cho biết, mặc dù theo quy định thì đợt 1 đã kết thúc nhưng vì thực hiện quá chậm nên lực lượng thú y từ huyện đến xã vẫn sẽ tiếp tục tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi thêm 5 - 7 ngày nữa.

Không riêng Đại Lộc mà 17 huyện, thành phố còn lại cũng có tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng vắc xin đợt 1 đạt rất thấp. Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Vừa rồi toàn tỉnh chỉ có 7 huyện, gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Nông Sơn, Điện Bàn bị dịch tai xanh gây hại. Những địa phương này lấy lý do vì tập trung chống dịch nên việc triển khai tiêm phòng chậm thì có thể chấp nhận được. Còn 11 huyện, thành phố khác không dốc sức chống dịch nhưng sao vẫn đạt tỷ lệ thấp. Rõ ràng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ngành liên quan cấp huyện và chính quyền các địa phương ở cơ sở không thực sự vào cuộc quyết liệt”.

VĂN SỰ

VĂN SỰ