Sửa đổi chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Có lợi cho người bị thu hồi đất
Tại hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND, ngày 30.9.2010 của UBND tỉnh (gọi tắt Quyết định số 23) về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT-HT-TĐC) vừa tổ chức, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, gỡ được nhiều điểm bất cập giữa cơ chế chính sách với thực tiễn đời sống.
Ảnh: HỮU PHÚC |
Đề xuất nâng mức hỗ trợ
Theo Sở Tài nguyên – môi trường, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã vận dụng Quyết định số 23 rất “linh hoạt” nên dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, thiếu tính nhất quán. Mặt khác, một số điều, khoản đã “lỗi thời”, không còn phù hợp với thực tế. Các nội dung sửa đổi, bổ sung Quyết định 23 chủ yếu tập trung vào quyền lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất; củng cố lại cơ chế, chính sách chặt chẽ hơn, xác lập trách nhiệm của từng cơ quan, cấp có thẩm quyền thực thi chính sách BT-HT-TĐC rõ ràng hơn. Tại các khoản 2, 3, 4 của Điều 28, Sở Tài nguyên – môi trường đề xuất thay đổi phần tiền thuê nhà ở với trường hợp người bị thu hồi đất (đã có nhà ở) đã bàn giao mặt bằng, trong thời gian chờ xây nhà ở mới, được bố trí vào nhà ở tạm, hoặc HT tiền thuê nhà ở. Cụ thể, mức HT tại TP.Hội An và nội thị TP.Tam Kỳ là 1 triệu đồng/tháng/hộ (mức cũ chỉ 700 nghìn đồng). Các thị trấn, thị tứ thuộc trung tâm hành chính các huyện Nam Trà My, Nông Sơn, Tây Giang nâng mức mỗi hộ HT 700 nghìn đồng/tháng (mức cũ 500 nghìn đồng). Các khu vực còn lại HT mỗi hộ 500 nghìn đồng/tháng (tăng 150 nghìn đồng so với quy định hiện hành). Trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở (đất có nhà) nhưng không đồng thời với việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp thì được HT ổn định đời sống 300 nghìn đồng/tháng/nhân khẩu theo thời gian khác nhau, phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng, di chuyển.
Ở khoản 3, Điều 33, các ý kiến đề nghị HT trồng trọt đối với hộ gia đình, cá nhân được giao lại đất nông nghiệp thì với cây hàng năm được HT 100% kinh phí để mua giống mới, phân bón, thuốc trừ sâu trong 2 vụ. Đối với cây lâu năm, cây công nghiệp được HT 20 - 50% chi phí đầu tư, mức HT tối đa 200 nghìn đồng/sào/năm, tương ứng với thời gian 5 năm nhưng mức HT không quá một héc ta/năm tính theo diện tích đất sản xuất được giao lại tại nơi mới và theo quy trình kỹ thuật của từng loại cây trồng theo quy hoạch. Trên thực tế, người dân trồng rất nhiều chủng loại cây trên diện tích quy định, rất khó cho cơ quan thực thi BT xác định cây trồng nào là chủ lực để áp giá theo quy định hiện hành. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Trần Nam Hưng, quy định mới nên xem xét về mật độ cây trồng để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bởi, trên một mảnh đất, người dân đã trồng rất nhiều loại cây khác nhau.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng thống nhất với đề xuất chính sách cho người nghèo theo hướng thông thoáng hơn. Ví dụ, với trường hợp thuộc diện hộ nghèo bị thu hồi đất ở, có đủ điều kiện được BT nhưng tổng số tiền BT về nhà ở, đất ở quá thấp không thể xây lại nhà cấp 4 có diện tích sử dụng tối thiểu 50m2 tại nơi TĐC, nếu hộ gia đình có nguyện vọng thì UBND cấp huyện quyết định cho nợ 100% tiền sử dụng đất, thời gian cho nợ không quá 5 năm. Đối với các dự án xây dựng khu TĐC, khai thác quỹ đất thì phải ưu tiên bố trí lại đất ở tại chỗ và vị trí thuận lợi…
Người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo quyền lợi sau khi chính sách về bồi thường, tái định cư được hoàn thiện, sửa đổi.Ảnh: H.PHÚC |
Điều chỉnh sát thực tế
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, thực tiễn đòi hỏi phải điều chỉnh những điểm vướng mắc của Quyết định số 23. Do vậy, cần bổ sung quy trình cưỡng chế thu hồi đất; quy định cụ thể trách nhiệm trình, thẩm định, phê duyệt đối với các trường hợp cá biệt. Sắp xếp bố cục lô gíc, theo hướng tách bạch các nội dung BT-HT-TĐC; đặc biệt cập nhật tất cả các quy định liên quan đến nội dung TĐC vào một chương riêng (gồm suất TĐC, suất đầu tư hạ tầng, số lô TĐC…). UBND cấp huyện tham mưu suất đầu tư hạ tầng, trình Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu UBND tỉnh công bố cho phù hợp với từng khu vực. Ngoài các ý kiến tại hội thảo này, yêu cầu các địa phương, đơn vị gửi góp ý bằng văn bản về Sở Tài nguyên - môi trường để tiếp tục tổng hợp, hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt cuối tháng 4 này. |
Nhiều ý kiến thống nhất sửa đổi khoản 2, Điều 38 của Quyết định số 23 là nên lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về phương án BT-HT-TĐC và đào tạo chuyển đổi nghề; niêm yết công khai phương án để người bị thu hồi đất và người có liên quan tham gia ý kiến. Điều 44 cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định phương án BT-HT-TĐC. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh – ông Đặng Bá Dự cho rằng, ở Điều 28, cần bổ sung HT 12 tháng kể từ ngày nhận được đất TĐC trên thực địa cho chặt chẽ. Đồng thời, Điều 29, làm rõ “khẩu nông nghiệp” (phát sinh sau thời điểm giao đất) để tính toán HT chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Điện Bàn kiến nghị bổ sung thêm trường hợp hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất còn lại sau khi bị thu hồi quá nhỏ trong khi có nhiều cặp vợ chồng sinh sống thì được xem xét bố trí thêm một lô TĐC. Thu hồi đất vườn, ao liền kề lớn hơn 2 lần hạn mức thì được bố trí 1 lô TĐC và xem xét HT 50% tiền sử dụng đất. Đề nghị UBND tỉnh ban hành quy định về diện tích lô đất tối thiểu để tính toán suất TĐC tối thiểu, áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh như khu vực đô thị 150m2; nông thôn là 200m2. Ngoài ra, quy định mới phải ban hành hệ số trượt giá đối với cây trồng, nâng giá BT vật kiến trúc theo định mức của Bộ Xây dựng.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến thống nhất bổ sung thêm quy định ban hành trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất trong Quyết định số 23. UBND tỉnh quy định giá đất phải phù hợp với giá thị trường để làm cơ sở áp giá BT-HT.
TRẦN HỮU